Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Kỹ thuật điện – Hệ thống điện.
Trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng với quốc tế, việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Kỹ thuật điện – Hệ thống lưới điện là bước đi cấp thiết nhằm đồng bộ hóa hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong vận hành hệ thống điện quốc gia.
Từ Quy phạm trang bị điện đến quy chuẩn kỹ thuật hiện đại
Kể từ năm 2006, Quy phạm trang bị điện được ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã đóng vai trò là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, vận hành các trang thiết bị điện trong hệ thống lưới điện.
Lắp đặt thiết bị tại TBA 500kV Thanh Hóa. Ảnh: NPTS
Tuy nhiên, trải qua gần hai thập kỷ, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cơ cấu phụ tải, quy mô hệ thống điện và yêu cầu hội nhập quốc tế, các quy định này dần bộc lộ nhiều bất cập và không còn theo kịp thực tiễn.
Trong khi đó, các nước trên thế giới hiện chủ yếu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế IEC, vốn có tính hài hòa cao và liên tục được cập nhật phù hợp với công nghệ mới.
Ở Việt Nam, nhiều tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cũng đã được xây dựng dựa trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn IEC. Việc xây dựng một QCVN riêng về hệ thống lưới điện là cần thiết để đồng bộ với các quy định hiện hành như Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Xây dựng, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực.
Đảm bảo tính khoa học, hội nhập và khả thi
Dự thảo Thông tư ban hành QCVN về Kỹ thuật điện – Hệ thống lưới điện do Bộ Công Thương xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Điện lực số 61/2024/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Quyết định số 3334/QĐ-BCT.
QCVN sẽ là nền tảng pháp lý để điều chỉnh toàn diện hoạt động thiết kế, xây dựng, lắp đặt, cải tạo và vận hành hệ thống lưới điện xoay chiều đến cấp điện áp 500 kV. Đồng thời quy chuẩn mới còn sửa đổi, bổ sung nhiều điểm nhằm bắt kịp yêu cầu phát triển và áp dụng các thành tựu công nghệ mới trong vận hành hệ thống điện.
Quan trọng hơn, QCVN lần này không chỉ là công cụ quản lý kỹ thuật đơn thuần, mà còn đóng vai trò là khung tiêu chuẩn chung cho toàn ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước đến đơn vị thiết kế, thi công, vận hành và kiểm tra giám sát.
Dự thảo QCVN đưa ra nguyên tắc, yêu cầu chung về an toàn kỹ thuật trong toàn bộ vòng đời công trình lưới điện
Dự thảo QCVN được biên soạn theo quy định của Thông tư số 26/2019/TT-BKHCN, bao gồm năm phần chính: Quy định chung; Quy định kỹ thuật hệ dẫn điện; Quy định kỹ thuật đối với thiết bị phân phối và trạm biến áp; Hệ thống điều khiển, bảo vệ đo lường; Quy định quản lý và các Phụ lục.
QCVN không tập trung vào việc quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 mà đưa ra các nguyên tắc, yêu cầu chung về an toàn kỹ thuật trong toàn bộ vòng đời công trình lưới điện. Các biện pháp chứng nhận, công bố hợp quy sẽ tiếp tục thực hiện theo Luật chuyên ngành như Luật Điện lực, Luật Xây dựng, bảo đảm không chồng chéo, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Bên cạnh việc cập nhật từ các tiêu chuẩn hiện hành (IEC, TCVN), nội dung dự thảo còn được tham khảo từ kết quả nghiên cứu của JICA, cũng như lấy ý kiến từ EVN, Viện Năng lượng và các cơ quan chuyên môn. Điều này bảo đảm QCVN mang tính thực tiễn, đồng thời tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh ngành điện ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường năng lượng khu vực.
Việc ban hành QCVN về Kỹ thuật điện – Hệ thống lưới điện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời cần đảm bảo an ninh năng lượng và vận hành hệ thống điện một cách ổn định, linh hoạt.
Chuẩn hóa hệ thống lưới điện sẽ tạo động lực cho điện lực an toàn và hiện đại
Một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình điện từ giai đoạn đầu, góp phần giảm rủi ro, giảm chi phí bảo trì – sửa chữa, tăng tuổi thọ vận hành và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Không chỉ dừng ở mục tiêu kỹ thuật, QCVN mới còn là nền tảng để phát triển thị trường điện cạnh tranh minh bạch, khuyến khích đổi mới công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero đến năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Việc Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kỹ thuật điện – Hệ thống lưới điện là động thái tích cực, chủ động và đúng thời điểm. Đây không chỉ là bước cụ thể hóa Luật Điện lực sửa đổi, mà còn là động lực thúc đẩy ngành điện phát triển hiện đại, hiệu quả và an toàn hơn.
Thu Hường