Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến ngày 16/7 tại trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Chiều ngày 11/7/2025, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Phát biểu tại họp báo, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Công Thương Phan Văn Bản cho biết, Đại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, vừa tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trong bối cảnh đó, Đảng ủy Bộ Công Thương đã rất nỗ lực để chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội. Đại hội lần này có hai nội dung chính: Thứ nhất là tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ mới; Thứ hai là thảo luận và đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đại hội dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến ngày 16/7 tại trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Công Thương Phan Văn Bản cho biết, Đại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, vừa tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, ngành Công Thương đã vượt qua nhiều thách thức lớn, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu được giao. Giai đoạn 2020 - 2025, mặc dù chịu tác động từ đại dịch và bất ổn toàn cầu, Đảng bộ Bộ Công Thương đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, hoàn thành xuất sắc hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó lập nên nhiều kỷ lục đột phá, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của Ngành:
Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò then chốt, chiếm trên 30% GDP, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 80%, khẳng định vị thế trung tâm sản xuất khu vực.
Ngành điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 30 thế giới về phát triển hạ tầng điện vào năm 2024. Ngành dầu khí phát triển đồng bộ từ thượng nguồn đến hạ nguồn, sản lượng xăng dầu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước; nguồn khí (kể cả LNG nhập khẩu) bảo đảm đủ cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp.
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 10%, đóng góp quan trọng vào GDP, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 ước đạt trên 800 tỷ USD, thặng dư thương mại duy trì mức cao.
Thị trường trong nước giữ vai trò trụ cột, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 8,1%/năm; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, đạt 25 tỷ USD năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ, là động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Về tiến trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa:
Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực tự chủ. Quá trình tái cơ cấu đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Trong đó, công nghiệp tiếp tục được mở rộng, giữ vai trò động lực tăng trưởng với chỉ số sản xuất bình quân tăng 6,3%/năm; công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu và tăng trưởng ổn định. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, giảm dần khai khoáng, phát triển mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngành điện tái cơ cấu theo hướng thị trường cạnh tranh; năng lượng tái tạo phát triển nhanh, chiếm 26,8% công suất và 13,4% sản lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững.
Cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hàng chế biến, chế tạo chiếm 85% vào năm 2025; nhiên liệu, khoáng sản giảm dưới 1%. Thị trường xuất khẩu mở rộng, giảm lệ thuộc vào thị trường châu Á, tăng giao thương với châu Mỹ, châu Âu; ưu tiên xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, xanh; nhập khẩu thiết bị hiện đại. Việt Nam duy trì quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, thực hiện 17 FTA; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng khá, năng lực hội nhập được nâng cao.
Thị trường trong nước hiện đại hóa mạnh mẽ; thương mại hiện đại chiếm 30% bán lẻ; thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng đạt mức 18 - 25%/năm, dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tăng cường tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ người tiêu dùng.
Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai quyết liệt, hiệu quả; giai đoạn 2021 - 2025, kiểm tra gần 290.000 vụ, xử lý gần 200.000 vụ vi phạm. Công tác hoàn thiện thể chế, nhất là trong quản lý kinh doanh xăng dầu, được đẩy mạnh, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Quyền Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy Bộ Công Thương Nguyễn Minh Huệ cho biết, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác xây dựng Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ Công Thương và toàn ngành nói chung
Về thực hiện 3 đột phá chiến lược:
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình ban hành trên 250 văn bản pháp luật (gồm 05 luật, 51 nghị định) và hơn 20 chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng như: Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi); cùng các nghị định về thương mại điện tử, xăng dầu, khí, điện lực, thị trường, ngoại thương…, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bộ Công Thương đang tiếp tục xây dựng các dự án luật mới như: Luật Phát triển sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Luật Thương mại điện tử, nghiên cứu sửa đổi Luật Thương mại, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Hạ tầng năng lượng và thương mại tiếp tục được phát triển đồng bộ, hiện đại. Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện quy hoạch, thể chế năng lượng - khoáng sản, tạo nền tảng pháp lý minh bạch, thống nhất.
Nguồn và lưới điện được đầu tư mạnh với sự tham gia của tư nhân, nhiều dự án trọng điểm đã vận hành hiệu quả. Hệ thống dầu khí phát triển đồng bộ, đảm bảo cung ứng 15,5 triệu tấn xăng dầu/năm.
Hạ tầng thương mại phát triển nhanh với hơn 1.200 siêu thị, 300 trung tâm thương mại; thương mại điện tử trở thành kênh phân phối chủ lực. Hệ thống logistics mở rộng với 30.000 kho bãi, 6 trung tâm cấp 1; chỉ số hiệu quả logistics tăng 10 bậc, từ 53 lên vị trí 43 (năm 2023).
Về hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thị trường nước ngoài:
Với vai trò là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã chủ trì đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam ký thêm 4 FTA, nâng tổng số lên 17 hiệp định với 65 đối tác, đồng thời đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện có. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xử lý linh hoạt các vấn đề thương mại, bảo đảm lợi ích quốc gia và duy trì ổn định quan hệ đối ngoại.
Về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu quốc gia:
Công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu quốc gia được đẩy mạnh, đổi mới toàn diện. Hệ thống thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại hoạt động hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường toàn cầu. Gần 1.000 đề án xúc tiến thương mại với kinh phí trên 800 tỷ đồng được triển khai, ký kết hơn 30 biên bản hợp tác quốc tế; Xúc tiến thương mại trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ mới được thúc đẩy, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thương hiệu quốc gia được quan tâm phát triển, với khoảng 1.000 sản phẩm của gần 500 doanh nghiệp đạt danh hiệu; thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 xếp thứ 32 thế giới, đứng thứ 2 Đông Nam Á, khẳng định uy tín hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
Về phòng vệ thương mại và quản lý cạnh tranh:
Trước nguy cơ hàng nhập khẩu bán phá giá, trợ cấp gây thiệt hại sản xuất trong nước, Bộ Công Thương tăng cường triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại. Giai đoạn 2020 - 2025, đã khởi xướng 55 vụ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 32 vụ, chủ yếu trong các ngành chế biến, vật liệu, tiêu dùng, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh kinh tế. Đồng thời, Bộ tích cực ứng phó 286 vụ kiện phòng vệ thương mại từ 25 thị trường, vận hành hệ thống cảnh báo sớm, bảo vệ hàng xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Việc kiện toàn mô hình quản lý thành Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia góp phần nâng cao hiệu quả giám sát tập trung kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; đã thẩm định trên 800 hồ sơ, xử lý gần 100 vụ việc vi phạm. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tăng cường, tập trung tuyên truyền Luật năm 2023, giám sát trên 50 chương trình thu hồi sản phẩm, xử lý hơn 1.500 phản ánh, khiếu nại mỗi năm. Hoạt động quản lý kinh doanh đa cấp được siết chặt, góp phần ngăn chặn biến tướng, bảo vệ người tiêu dùng.
Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh:
Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Giai đoạn 2021- 2024, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 57/662 điều kiện kinh doanh (đạt 8,61%), năm 2025 Bộ dự kiến cắt giảm 160/560 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 28,57%), tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều vướng mắc như xăng dầu, hóa chất, xúc tiến thương mại…; Bộ đã bãi bỏ 95 thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung 347 thủ tục hành chính và phân cấp hàng trăm thủ tục hành chính giúp Bộ duy trì vị trí cao trong nhóm các bộ, ngành dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính; 100% thủ tục hành chính cung cấp ở cấp độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp 267 dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực như quản lý xuất nhập khẩu, năng lượng, và thương mại điện tử trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Tổng số nhiệm vụ phân quyền, phân cấp cho địa phương là 208/401 nhiệm vụ (chiếm tỉ lệ 52%) tổng số nhiệm vụ, quyền hạn có thể phân quyền, phân cấp.
Đại hội sẽ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng ủy Chính phủ, đại diện các ban, bộ ngành Trung ương, các cơ quan, ban tham mưu Đảng ủy Chính phủ… và 250 đại biểu ưu tú, đại diện cho 2.671 đảng viên của 38 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương
Trong công tác xây dựng đảng, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương và các cấp ủy trực thuộc đã nghiêm túc quán triệt, triển khai Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các nội dung của công tác xây dựng đảng, xây dựng Đảng bộ Bộ trong sạch, vững mạnh. Các Đảng bộ, chi bộ cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy Bộ Công Thương đổi mới toàn diện, linh hoạt phương thức lãnh đạo, phù hợp đặc thù từng đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sinh hoạt chi bộ gắn với chuyên môn, ứng dụng công nghệ, phát huy dân chủ, nêu gương người đứng đầu. Công tác phân công, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền được đổi mới theo hướng trọng tâm, linh hoạt, sát thực tiễn.
Công tác kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Các đơn vị trực thuộc đã chủ động rà soát, tinh giản biên chế, hợp nhất tổ chức có chức năng tương đồng, giảm chồng chéo, phân tán trong tổ chức và hoạt động, góp phần tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng hoạt động trong tình hình mới. Công tác cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, dân chủ, công tâm, gắn phân cấp với tăng cường giám sát; bố trí đúng người, đúng việc, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động.
Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 diễn ra trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, thời kỳ bản lề thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Nhiệm kỳ 2025 - 2030 được xác định là thời kỳ then chốt, đòi hỏi toàn ngành phải hành động quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức. Đại hội lần này sẽ tập trung thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, ngành Công Thương đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, vào nhóm dẫn đầu ASEAN, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu; duy trì vị thế top 20 về xuất khẩu và top 30 thị trường bán lẻ toàn cầu. Đồng thời, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, năng lượng; phát triển hạ tầng năng lượng, thương mại, logistics hiện đại, tiệm cận nhóm đầu ASEAN.
Tiếp tục xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt tiêu biểu, có năng lực đáp ứng tình hình mới; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Nhiệm kỳ 2025 - 2030, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển của ngành Công Thương giai đoạn đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2025 - 2030. Quyết tâm, phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại như sau: (i) Tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 35% GDP, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 28% vào năm 2030; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 12 - 12.5%/năm; (ii) Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 13,5 - 14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước 10 - 12%/năm; (iii) Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu đạt 13,0 - 13,5%/năm; (iv) Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm. Đến năm 2030, điện thương phẩm đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh. Tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 30% vào năm 2030; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân 1 - 1,5%/năm; Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội bình thường.
Ngọc Châm