Bộ Công thương: Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt là không công bằng

Bộ Công thương: Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt là không công bằng
19 giờ trướcBài gốc
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương).
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ 180 đối tác thương mại vào nước này. Trong đó, Việt Nam bị áp mức thuế 46%.
Chiều 3/4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công thương cho rằng: "Bộ Công thương lấy làm tiếc khi Mỹ thông báo áp thuế 46% đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4 tới đây".
Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng nước này được sử dụng hàng hóa giá rẻ.
Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, dao động 10-50%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu, rào cản thương mại Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, lên tới 90%, theo cách tính của nước này.
Mức thuế MFN trung bình mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46%, theo ông Linh là thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam nhằm xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành đã xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Chỉ vài ngày trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ được hưởng lợi.
Ngoài ra có rất nhiều dự án của Mỹ tại Việt Nam được quan tâm, giải quyết và tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 119,5 tỷ USD, chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhập từ Mỹ trên 15 tỷ USD.
Theo Thông báo của Nhà trắng, các mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với các đối tác thương mại nhằm khắc phục bất công thương mại toàn cầu, đưa sản xuất trở lại nước này và củng cố an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Được biết, các mức thuế sẽ được duy trì cho tới khi Mỹ xác định được mối đe dọa do thâm hụt thương mại và sự thiếu công bằng trong thương mại được giải quyết, được khắc phục hoặc giảm nhẹ.
"Chính vì vậy, Bộ Công thương cho rằng, giữa hai bên còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi", ông Tạ Hoàng Linh nói.
Được biết, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho hai bên.
Bộ này cũng thu xếp cuộc điện đàm giữa hai Bộ trưởng và ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trong thời gian sớm nhất.
Nói thêm về thuế quan của Mỹ tác động đến hoạt động xuất khẩu, ông Linh cho hay, năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Trong trường hợp Việt Nam và Mỹ không tìm được giải pháp tích cực, việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Thực tế, thuế quan mà Mỹ dự định áp lên hàng hóa các nước, là các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam là vấn đề đã được Bộ Công thương dự báo trước và có sự chuẩn bị.
Cụ thể, Bộ này cũng đã có những kiến nghị Kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết một khi vấn đề xảy ra.
Dự báo, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Ông Tạ Hoàng Linh khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng thế mạnh sẵn có từ 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương, doanh nghiệp cần đa dạng thị trường xuất khẩu.
Dữ liệu của Bộ Công thương, thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu.
Do đó, Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới, và để hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghệp, Bộ Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Bên cạnh đó, Bộ này thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Hải Yến
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/bo-cong-thuong-my-ap-thue-46-voi-hang-viet-la-khong-cong-bang-d262001.html