Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Nhà Quốc hội tới 37.000 điểm cầu trên toàn quốc với trên 1,5 triệu đảng viên tham dự.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Các đại biểu tại Điểm cầu Hội nghị Đảng ủy Bộ Công Thương. Ảnh: QL
Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Bộ Công Thương có đông đủ các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Công Thương, Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy viên các Đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Bộ Công Thương; lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ Công Thương; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể.
Đối với các cán bộ, đảng viên không tham dự học tập trực tiếp tại điểm cầu Đảng ủy Bộ Công Thương, Đảng ủy Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu các cấp ủy trực thuộc sẽ tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên học tập quán triệt nội dung Hội nghị thông qua kênh VTV1 với hình thức phù hợp.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trình bày chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Việt Nam có khoảng 900.000 doanh nghiệp, trong đó trên 60% hoạt động trong ngành Công Thương. Mức độ đầu tư vào công nghệ chỉ khoảng 20% doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào đổi mới công nghệ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong thời qua, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế tư nhân trong từng ngành, từng lĩnh vực. Qua đó đã góp phần hình thành nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng...
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, Bộ Công Thương đã và đang đề ra nhiều giải pháp về hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư, cũng như xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập và chuyển đổi số. Cùng đó là các giải pháp cụ thể như tăng cường hỗ trợ tiếp cận nguồn lực, phát triển nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh đổi mới công nghệ bởi đây là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66 và 68 diễn ra trong buổi sáng ngày 18/5/2025 và được truyền hình trực tiếp trên VTV và VOV.
Quang Lộc