Việt Nam cần một lượng lớn nhân lực cho điện hạt nhân
Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Để chuẩn bị cho sự tái khởi động này, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của cơ quan báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 7/1 là vấn đề nhân lực cho điện hạt nhân.
Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Trần Đình
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, ông Trần Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - cho biết: Ngày 2/1/2025, để triển khai hoạt động về phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân.
Tại hội nghị trên, Vụ Khoa học và Công nghệ đã chuẩn bị những báo cáo, tài liệu, bài phát biểu về vấn đề nhân lực trong phát triển điện hạt nhân, có đánh giá nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam hiện nay.
Về nội dung Việt Nam cần bao nhiêu nhân lực cho phát triển điện hạt nhân, ông Trần Minh cho rằng: Theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và một số tập đoàn, cơ quan trong lĩnh vực điện hạt nhân, nếu Việt Nam dự kiến có 2 tổ máy công suất 2x1000 MW, cần 600 - 1.200 người người có trình độ trung cấp, đại học thuộc các chuyên ngành khác nhau. Chúng ta cần từ 5-10 năm để đào tạo.
Ngoài ra, còn rất nhiều người liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu của ngành an toàn hạt nhân như: Kiểm soát an toàn bức xạ, quản lý dự án và lãnh đạo nhà máy, vận hành, điều hành các lò bảo trì, hỗ trợ các dịch vụ khác.
"Như vậy, hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi triển khai, nhu cầu cần khoảng 2.400 người. Ngoài ra, còn các nguồn nhân lực hỗ trợ khác, ví dụ như cần có chuyên gia liên quan đến các chuyên ngành về luật và các chuyên gia nghiên cứu phát triển, chuyên gia phục vụ công tác nghiên cứu quản lý... Số lượng nhân lực này chưa tính đến nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước tại các viện nghiên cứu, đội ngũ giảng viên trong cơ sở giáo dục, nếu tính bình quân mỗi 12 nhân lực trong ngành điện hạt nhân cần 1 nghiên cứu viên và 20 sinh viên cần 1 giảng viên, nhu cầu nhân lực cho nhóm này thêm khoảng 250 người" - ông Trần Minh thông tin thêm.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh minh họa
Thúc đẩy đề án đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dự án điện hạt nhân, theo ông Trần Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan, trong đó, có Vụ Khoa học và Công nghệ, tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng để triển khai, tham mưu cấp có thẩm quyền, thúc đẩy đề án về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân.
Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực cho ngành điện hạt nhân, phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Trước đây, để chuẩn bị triển khai 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển điện hạt nhân đã được chú trọng. Việt Nam cũng đã gửi cán bộ đi đào tạo và thực hiện đúng theo Đề án 1558 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Nhưng sau khoảng thời gian rất nhiều năm mới khởi động lại, nên Việt Nam phải có một chương trình tổng thể hơn, không phải chỉ tập trung vào 2 nhà máy này, mà còn thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân, dự kiến có thể là có nhiều nhà máy hơn. Nguồn nhân lực phải chia làm 3 nhóm: Nhóm phụ trách liên quan đến quản lý nhà nước; nhóm liên quan nghiên cứu khoa học; nhóm liên quan đến vận hành trực tiếp nhà máy. Việt Nam cũng cần tính đến nguồn từ các chuyên gia, kể cả trong nước, nước ngoài, để không chỉ phục vụ nhà máy điện hạt nhân mà còn phục vụ cho các dự án năng lượng tái tạo.
Theo thông tin thống kê, đến năm 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-QH của Quốc hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên Bang Nga, trong đó có 80 sinh viên là người Ninh Thuận; EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, cử đi đào tạo lớp cán bộ khung gồm 24 kỹ sư tại Nhật Bản, đã làm việc với ROSATOM (Tập đoàn Năng lượng hạt nhân của Liên Bang Nga) để xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Nguyễn Hòa