Bỏ 'công việc mơ ước', đôi vợ chồng trẻ theo đuổi ước mơ giáo dục bền vững

Bỏ 'công việc mơ ước', đôi vợ chồng trẻ theo đuổi ước mơ giáo dục bền vững
5 giờ trướcBài gốc
Anh Nguyễn Võ Minh Tâm và chị Trần Lê Đăng Thoại cùng các học viên tại trung tâm.
Sinh ra và lớn lên ở những nơi khác nhau, định hướng về nghề nghiệp ban đầu cũng không hề giống nhau, nhưng anh Minh Tâm và chị Đăng Thoại lại cho chung tình yêu với giáo dục.
Từ lớp học chỉ tồn tại 3 ngày
Năm 21 tuổi, khi phần lớn bạn bè đồng trang lứa lựa chọn những công việc ổn định sau khi rời ghế giảng đường, chị Thoại đã ấp ủ giấc mơ táo bạo về một trung tâm giáo dục. Chị quyết định vay mượn khắp nơi để "khởi nghiệp" bằng một lớp học nhỏ với vỏn vẹn 2 chiếc bàn và 5 chiếc ghế.
"Vạn sự khởi đầu nan", vận hành được 3 ngày, lớp học của chị buộc phải đóng cửa do thiếu kiến thức giảng dạy và kinh nghiệm quản lý. Dù thất bại đầu tiên đến quá nhanh, nhưng chị vẫn giữ vững quyết tâm theo đuổi ước mơ thay vì bỏ cuộc.
Suốt 6 tháng tiếp theo, chị Thoại dành thời gian lên kế hoạch, vạch ra lộ trình chi tiết về ước mơ mình đang theo đuổi. Thời gian này, chị hiểu được rằng, yếu tố cốt lõi của một mô hình giáo dục bền vững chính là người thầy.
"Trong lĩnh vực giáo dục, đam mê sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có một người thầy với nền tảng kiến thức chắc chắn và sự am hiểu sâu sắc", chị Thoại nhớ lại.
Chính vì vậy, hơn 3 năm sau đó, cô gái gốc Đà Lạt tham gia hàng loạt khóa học cả về kỹ năng giảng dạy và kiến thức chuyên môn. Năm 2015, sau khi sở hữu tấm bằng cử nhân tài chính - ngân hàng vốn đang là chuyên ngành có nhiều cơ hội lúc bấy giờ, mà tiếp tục học thêm văn bằng Ngôn ngữ Anh tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Chị Trần Lê Đăng Thoại say sưa giảng bài tại TTE thời điểm hiện tại.
Nếu như chị Thoại có định hướng về giáo dục ngay từ đầu, thì "mối duyên" đến với bục giảng của anh Tâm lại là một ngã rẽ đầy bất ngờ, thậm chí còn khiến nhiều người dành cho ánh mắt nghi ngờ, ái ngại.
Anh vốn công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một công việc mà không ít người cho là "đáng mơ ước". Trong thời gian này, anh thường nhận dạy kèm tiếng Anh cho con em đồng nghiệp như một phương pháp kết hợp để vừa giúp đỡ mọi người, vừa giữ gìn kiến thức. Chẳng ngờ, với phong cách giảng dạy gần gũi, vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, "lớp học" của chàng trai Sài Gòn nhanh chóng đã được nhiều phụ huynh đặt niềm tin, gửi gắm con em.
"Thuận vợ, thuận chồng"
Cuối năm 2016, anh Tâm và chị Thoại về chung một nhà. Mối duyên chung về giáo dục cũng từ đó mà ngày càng nảy nở. "Ban ngày, tôi đi làm tại công ty, còn vợ chăm sóc lớp học nhỏ. Sau giờ hành chính, tôi về tiếp quản lớp học để vợ đi học thêm", anh Nguyễn Võ Minh Tâm chia sẻ.
"Tiếng lành đồn xa", chỉ sau vài tháng, lớp học nhỏ của đôi vợ chồng trẻ đã không còn đủ sức chứa. Sự tận tâm của anh chị khiến nhiều phụ huynh tin tưởng không những gửi gắm con em, mà còn giới thiệu bạn bè, người thân, đồng nghiệp.
Lúc này, anh Tâm mạnh dạn đưa quyết định mang tính bước ngoặt cuộc đời: bỏ "công việc mơ ước" để cùng vợ tập trung phát triển, mở rộng lớp học thành một trung tâm giáo dục với cái tên đậm nghĩa vợ chồng, nói lên ước mơ chung về giáo dục bền vững: "Tâm Thoại Edu" (TTE).
Chân dung người đàn ông từ bỏ công việc ổn định với thu nhập tốt để gắn bó với nghề giáo.
Sau trung tâm đầu tiên mở tại quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh), "đứa con tinh thần" của anh chị không ngừng lớn mạnh. Cuối năm 2019, văn phòng trung tâm chuyển đến một địa điểm rộng rãi hơn với bộ máy hiện đại, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Giữa lúc trung tâm đang vận hành trơn tru thì dịch Covid-19 ập đến. Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của đại dịch, TTE và hàng loạt trung tâm giáo dục khác ở thành phố mang tên Bác phải đóng cửa. Tuy nhiên, thay vì ngồi "bó tay" trong thời điểm mọi thứ đều rơi vào trạng thái đóng băng, hai nhà sáng lập trẻ tuổi của trung tâm nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức giảng dạy trực tuyến.
Làm quen với việc dạy và học trực tuyến lúc đó không chỉ là thử thách mới cho học sinh, mà còn đặt ra "bài toán khó" đối với các cơ sở giáo dục, nhất là những trung tâm còn non trẻ như TTE.
Không khí sôi nổi của một lớp học tại trung tâm.
Thế nhưng, bằng những phương án làm việc linh hoạt, tinh thần sáng tạo không ngừng, trung tâm của đôi vợ chồng trẻ đã tích hợp công nghệ hiện đại, giúp phụ huynh có thể theo dõi kết quả học tập của con em từ xa, đăng ký học trực tuyến từ nhiều tỉnh, thành lân cận..., nhờ đó càng trưởng thành hơn sau đại dịch.
Anh Nguyễn Võ Minh Tâm cho biết: Từ ngoại ngữ, TTE hiện đã mở rộng đào tạo thêm một số môn học khác như: toán, ngữ văn, vật lý... cho nhiều đối tượng học sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, trung tâm có tổng cộng 400 học viên tham gia các lớp, trong đó có nhiều trường hợp đăng ký cùng lúc nhiều môn học khác nhau. Dù quy mô còn nhỏ, nhưng TTE vẫn thường xuyên có giải pháp hỗ trợ học viên có hoàn cảnh khó khăn, được chính quyền địa phương, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
NGỌC VY
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bo-cong-viec-mo-uoc-doi-vo-chong-tre-theo-duoi-uoc-mo-giao-duc-ben-vung-post832920.html