Tụt hạng về tỷ lệ bao phủ nợ xấu
Từng được xem là một trong những "lá chắn thép" của ngành ngân hàng trong việc phòng vệ trước rủi ro nợ xấu, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang cho thấy dấu hiệu chững lại trong quý I/2025.
Theo báo cáo tài chính, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ACB đã giảm mạnh xuống còn 72,1% trong quý đầu năm. So với mức gần 78% của quý trước, đây là một bước lùi đáng kể đối với ngân hàng hàng đầu trong kiểm soát rủi ro tín dụng.
Dù tỷ lệ nợ xấu được ghi nhận giảm nhẹ còn 1,5% so với cuối năm 2024, giá trị tuyệt đối của các khoản nợ xấu lại tăng 2,3%. Đồng thời, số dư dự phòng nợ xấu giảm 5,4% do ngân hàng đã sử dụng 990 tỷ đồng từ quỹ dự phòng.
Dù đã tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thêm 22% trong quý I, tương đương hơn 626 tỷ đồng, song mức trích lập này vẫn chưa đủ để củng cố bộ đệm.
Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục gia tăng, hiện chiếm tới 75% tổng giá trị nợ xấu.
Trước đó, trong năm 2024, tổng nợ xấu của ACB đã tăng lên 8.650 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 1,22% lên 1,51%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự trầm lắng kéo dài của thị trường bất động sản, khiến việc xử lý tài sản đảm bảo trở nên khó khăn hơn.
Dù nợ xấu tăng, ACB lại cắt giảm mạnh chi phí dự phòng. Cả năm 2024, tổng chi phí dự phòng chỉ đạt hơn 1.600 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước đó.
Rủi ro chỉ mang tính tạm thời?
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng kiểm soát nợ xấu.
Ông cho rằng, việc nợ xấu gia tăng thời gian qua chủ yếu là do thị trường bất động sản đóng băng. Tuy nhiên, thị trường này, đặc biệt tại khu vực phía Nam, đang có dấu hiệu hồi phục trở lại, tạo kỳ vọng cho tăng trưởng.
Ông Phát cũng nhấn mạnh chiến lược phân tán rủi ro của ACB, khi 98% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo, chỉ 2% là tín chấp.
“ACB không cho vay tập trung vào bất kỳ doanh nghiệp nào, nên mức độ phân tán rủi ro cao. Do đó, rủi ro hiện nay chỉ mang tính tạm thời,” ông khẳng định.
Về mức độ tiếp xúc với thị trường bất động sản, ông Phát cho biết ACB chỉ dành dưới 20% dư nợ cho lĩnh vực này. “Dù nợ xấu có tăng trong thời gian qua, nhưng ACB vẫn đang kiểm soát tốt và kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới,” ông nói thêm.
Lãnh đạo ngân hàng cũng kỳ vọng sự hồi phục của thị trường bất động sản, cùng với việc rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý như Nghị quyết 42 – dự kiến được xem xét lại vào tháng 6/2025 sẽ hỗ trợ xử lý nợ hiệu quả hơn.
Trong báo cáo mới công bố, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc Thông tư 02 hết hiệu lực đã dẫn đến một số khoản vay bị phân loại lại, qua đó ảnh hưởng đến chỉ số nợ xấu.
Đồng thời, KBSV cảnh báo ACB sẽ cần phải tăng cường trích lập dự phòng trong thời gian tới để củng cố “lá chắn” tài chính, đặc biệt trong bối cảnh khẩu vị rủi ro của ngân hàng đang trở nên linh hoạt hơn.
Dù vậy, KBSV vẫn đánh giá cao nỗ lực kiểm soát chất lượng tài sản của ACB, đặc biệt là mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% trong năm nay.
Theo tổ chức này, xu hướng hình thành nợ xấu mới đã giảm dần qua từng quý – tín hiệu cho thấy nợ xấu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2024.
KBSV kỳ vọng sự phục hồi của thị trường bất động sản, nhất là tại miền Nam, sẽ cải thiện thanh khoản và hỗ trợ ACB xử lý nợ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm mạnh từ 91% năm 2023 xuống còn 76% năm 2024, KBSV khuyến nghị ACB cần tăng cường trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn tài chính bền vững.
Triển vọng phát triển từ ‘tốt’ lên ‘nổi bật’
Dù gặp áp lực về nợ xấu, ACB vẫn giữ được sự ổn định trong hoạt động kinh doanh.
Quý I/2025, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.600 tỷ đồng, hoàn thành 20% kế hoạch cả năm là 23.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lợi nhuận này đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập lãi thuần giảm 5%, còn 6.358 tỷ đồng, trong khi mảng đầu tư và kinh doanh chứng khoán ghi nhận lỗ và sụt giảm mạnh. Bù lại, thu nhập ngoài lãi tăng 7,5%, chiếm 20% tổng doanh thu – trong đó lãi từ dịch vụ tăng 17% và kinh doanh ngoại hối gấp đôi cùng kỳ.
Tổng tài sản của ACB đạt 820.000 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng đạt 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1%, trong khi huy động vốn tăng 4% lên 664.000 tỷ đồng.
Các chỉ số an toàn tài chính vẫn được duy trì ổn định, với tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức 79,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt 18,8%, và hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì trên 11%.
Trong khi đó, KBSV vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng dài hạn của ACB. Ngân hàng được dự báo sẽ đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 17%, nhờ tận dụng hiệu quả các phân khúc thị trường.
Trong đó, cho vay bán lẻ, hiện chiếm 63% tổng danh mục, được kỳ vọng tăng trưởng 18–20%, đặc biệt ở mảng vay mua nhà.
Mảng cho vay doanh nghiệp lớn cũng có dư địa tăng trưởng đáng kể khi ACB mới chỉ chiếm khoảng 1% thị phần, trong khi phân khúc này chiếm tới 50% toàn thị trường.
Ngoài ra, các công ty con của ACB cũng đóng góp tích cực. công ty chứng khoán ACBS ghi nhận lợi nhuận tăng 67%, còn công ty tài chính ACBL tăng trưởng 24%. Trong năm 2025, ACB dự kiến tăng vốn cho ACBS thêm 3.000 tỷ đồng.
KBSV đánh giá cao chiến lược cân bằng giữa mảng bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp lớn, đồng thời ghi nhận sự đầu tư bài bản vào công nghệ và các công ty con.
Dũng Phạm