Việc lường trước những rủi ro có thể vẫn còn tồn tại khi tham gia vào các nền tảng P2P Lending là điều cần thiết. Ảnh: T.L
Rủi ro của P2P Lending
Về cơ bản, P2P Lending (Peer-to-Peer Lending) là hình thức cho vay trực tuyến không qua trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng. Người đi vay và người cho vay được kết nối trực tiếp thông qua một nền tảng công nghệ do bên thứ ba cung cấp. Hiện có hai mô hình phổ biến là mô hình chợ vay thuần túy: người cho vay quyết định rót vốn vào hồ sơ cụ thể trên ứng dụng và mô hình pooling (gộp vốn): nhà đầu tư rót vốn vào quỹ chung và nền tảng tự động phân phối khoản vay.
Với tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận tín dụng ngân hàng còn cao, trong khi nhu cầu vay tiêu dùng, vay siêu nhỏ trong dân cư và doanh nghiệp nhỏ rất lớn, cùng với sự phát triển của công nghệ tài chính (FinTech), định danh điện tử (eKYC), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)... mở rộng khả năng thẩm định và quản lý rủi ro, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho P2P Lending phát triển.
Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending, trong đó, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu đi theo mô hình 1. Tuy nhiên, do thiếu các hành lang pháp lý rõ ràng nên đã xuất hiện không ít vấn đề và những hạn chế trong thời gian qua, như một số nền tảng P2P Lending đã hoạt động trá hình tín dụng đen, đòi nợ bạo lực, bôi nhọ người vay, cùng với rủi ro đạo đức từ cả người vay và nhà cung cấp nền tảng.
Đối với người vay, cần phải lưu ý lãi suất thực tế khi vay thông qua các nền tảng, vì lãi suất được công bố có thể thấp nhưng các nền tảng cộng thêm các khoản phí dịch vụ ẩn, phí phạt trễ hạn... mới ra lãi suất thực tế.
Trước đây, do thiếu các quy định về giấy phép, vốn điều lệ, giới hạn lãi suất, nghĩa vụ minh bạch..., nên không ít nền tảng P2P Lending dù không phải/không trực thuộc ngân hàng, cũng không phải công ty tài chính, nhưng vẫn hoạt động rầm rộ trong vùng “xám” pháp lý. Một số nền tảng thực hiện thu tiền, sau đó không rót vốn đúng cam kết, hoặc đầu tư sai mục đích. Lĩnh vực này cũng thiếu bộ tiêu chuẩn chung về xếp hạng tín dụng, phương pháp thẩm định, cơ chế bảo vệ người dùng.
Và khi rủi ro xảy ra, việc xử lý tranh chấp giữa người cho vay - người vay - nền tảng rất khó vì thiếu các điều luật cụ thể. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này cao và rủi ro tín dụng không được kiểm soát, do có nhiều trường hợp người vay cố tình lợi dụng chính sách đơn giản, không thế chấp để lừa đảo, nhưng các nền tảng lại không có hệ thống CIC (trung tâm thông tin tín dụng) mạnh như ngân hàng nên khó đánh giá chính xác khả năng trả nợ, cũng như không có bảo hiểm tiền vay như ngân hàng khiến nhà đầu tư chịu rủi ro trực tiếp.
Đó là chưa nói đến những rủi ro về công nghệ và bảo mật, khi nền tảng bị tấn công mạng sẽ làm lộ thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch. Trước thực trạng này, nhà đầu tư có thể mất lòng tin khiến thị trường thiếu sự phát triển bền vững, và nếu nhà đầu tư rút vốn hàng loạt thì sẽ kéo theo hiệu ứng domino và vỡ nợ trên diện rộng, các nền tảng có thể sụp đổ nhanh chóng.
Do đó, các quy định pháp lý cần sớm được ban hành, với Nghị định 94/2025/NĐ-CP mới đây là điều rất cần thiết.
Những lưu ý
Ngay cả khi có Nghị định 94, việc lường trước những rủi ro có thể vẫn còn tồn tại khi tham gia vào các nền tảng P2P Lending là điều cần thiết. Đối với người vay, cần phải lưu ý lãi suất thực tế khi vay thông qua các nền tảng, vì lãi suất được công bố có thể thấp nhưng các nền tảng cộng thêm các khoản phí dịch vụ ẩn, phí phạt trễ hạn... mới ra lãi suất thực tế. Một số nền tảng hứa hẹn thủ tục dễ, giải ngân nhanh, nhưng phạt cực nặng nếu trễ hạn dù chỉ một ngày, cũng như các khoản phí hồ sơ, phí xử lý, phí giải ngân... thường không được nêu rõ lúc đăng ký vay, vì vậy người vay cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng.
Đối với người cho vay, cần phải nhận thức rằng đây không phải là sản phẩm tiết kiệm có bảo hiểm như ngân hàng, sẽ có tỷ lệ vỡ nợ cao nếu nền tảng yếu kém hoặc người vay không trung thực. Vì vậy, không nên chỉ nhìn vào lãi suất danh nghĩa, mà phải tính đến tỷ lệ nợ xấu, thời gian thu hồi, chi phí xử lý...
Ngoài ra, khách hàng vay cần kiểm tra xem nền tảng có đăng ký hoạt động rõ ràng, có địa chỉ thật, có hotline hỗ trợ hay không; tránh vay từ ứng dụng lạ không rõ nguồn gốc, đặc biệt cần bảo mật thông tin cá nhân, không nên cung cấp ảnh căn cước công dân, danh bạ điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng cho những ứng dụng lạ. Tuyệt đối không đứng tên vay hộ bạn bè, người quen qua nền tảng P2P Lending, vì người ký hợp đồng vay chính là người chịu trách nhiệm pháp lý cuối cùng.
Đối với nhà đầu tư (người cho vay), cần phải nhận thức rằng đây không phải là sản phẩm tiết kiệm có bảo hiểm như ngân hàng, sẽ có tỷ lệ vỡ nợ cao nếu nền tảng yếu kém hoặc người vay không trung thực. Vì vậy, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào lãi suất danh nghĩa, mà phải tính đến tỷ lệ nợ xấu, thời gian thu hồi, chi phí xử lý, đồng thời phải theo dõi danh mục thường xuyên, chủ động theo dõi các khoản đầu tư, ngày đến hạn thanh toán, và có phương án xử lý khi có dấu hiệu nợ xấu.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên phân tán danh mục đầu tư, bằng cách chia thành nhiều khoản nhỏ (tối đa 5-10% danh mục vào một hồ sơ), để giảm thiểu rủi ro khi có người vay mất khả năng thanh toán. Lưu ý chọn nền tảng có bảo chứng hoặc quỹ bảo vệ vốn; thực tế một số nền tảng cung cấp bảo hiểm khoản vay hoặc quỹ dự phòng rủi ro, nhưng cần kiểm tra cơ chế chi trả thực sự có hiệu quả không. Đặc biệt, không nên vay tiền để tham gia đầu tư P2P Lending, vì có thể rơi vào vòng xoáy lãi kép nếu người vay không trả đúng hạn.
Cuối cùng, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ P2P Lending, cần phải công khai mô hình hoạt động và tích cực tham gia sandbox của Ngân hàng Nhà nước. Phải công khai lãi suất, biểu phí và các điều kiện phạt rõ ràng, dễ hiểu, cấm các điều khoản “ẩn” hoặc đánh lừa người dùng. Xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư, cung cấp xếp hạng tín dụng minh bạch, đánh giá khả năng vỡ nợ, mô hình stress test để nhà đầu tư hiểu rõ trước khi rót vốn.
Các tổ chức cũng cần tránh nhầm lẫn giữa cung cấp nền tảng kết nối và đóng vai trò “cho vay trực tiếp”, nếu thu lợi quá cao từ người vay, dễ bị quy vào hoạt động tín dụng trá hình. Không sử dụng hình thức đòi nợ thô bạo (gọi điện liên tục, đe dọa), đặc biệt tránh tiếp tay cho các bên thứ ba không được cấp phép thu hồi nợ. Cần xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng mạnh (ứng dụng AI, big data, liên kết CIC), tránh việc rót vốn dễ dãi gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt phải nâng cao chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Triệu Minh