Ông ngoại ruột mất từ lúc mẹ tôi 10 tuổi. Chồng mất sớm, một mình bà ngoại tảo tần nuôi 5 con thơ dại.
Bà có vẻ đẹp đằm thắm nên đàn ông trong vùng thường lân la, lui tới. Khi biết bà nuôi tận 5 đứa con, họ ít đến chơi, rồi mất dạng. Người cuối cùng chọn đồng cam cộng khổ với bà chính là ông ngoại hiện tại.
Mẹ tôi kể, ông vào miền Nam làm việc từ năm 20 tuổi. Ông chí thú lập nghiệp nên không màng chuyện vợ con.
Tết năm đó, ông về quê thăm bố mẹ thì gặp bà ngoại. Ông thấy bà tần tảo, chịu thương chịu khó nên cảm mến, rồi yêu thích bà lúc nào không rõ. Tết năm sau, ông về quê ở hẳn, qua lại thăm nom bà nhiều hơn.
Mỗi lần sang chơi, ông đều xách theo gạo, cá, thịt… cho đàn con của bà. Bà thấy mình không xứng với ông nên vài lần nói gần nói xa. Thế nhưng, ông quyết tâm theo đuổi, bất chấp bố mẹ cấm cản, người thương tìm cách tránh mặt.
Mưa dầm thấm lâu, bà xiêu lòng trước chân tình của ông. Tuy nhiên, bà khuyên ông hãy để lại hết tiền của tích góp bao năm cho bố mẹ. Bà không muốn nhà chồng nghĩ bà lợi dụng.
Ông giỏi buôn bán, bà lo chuyện đồng áng. Chỉ mấy năm sau, ông bà xây dựng nhà cửa khang trang. Các cậu, dì và mẹ tôi không còn cảnh ăn cơm độn khoai. Mọi người được ông cho ăn học đàng hoàng.
Dù không ruột thịt nhưng ông dành mọi điều tốt đẹp cho những đứa con riêng của vợ. Ảnh minh họa: PX
Người ta thường bảo bố dượng , mẹ ghẻ không tốt nhưng ông lại dành hết tình thương cho đàn con của vợ. Đáp lại, mẹ tôi và cậu, dì kính trọng, thương ông như bố ruột.
Khi con riêng của vợ trưởng thành, ông đứng ra dựng vợ gả chồng, chia đất đai và tài sản đầy đủ.
Thuở bé, chúng tôi được ông yêu chiều hết mực. Ông chở mấy đứa cháu không cùng máu mủ đi chơi, mua cho quà bánh. Cháu nào học giỏi thì được ông thưởng thêm.
Với tôi, ông hiển nhiên là ông ngoại, không ai có thể thay thế. Với mẹ tôi, ông vừa là bố vừa là ân nhân.
Tôi nhớ như in buổi sáng kinh hoàng của 9 năm trước. Tôi thức dậy thấy hàng xóm kéo đến, đập cửa nhà, la hét inh ỏi. Cả nhà tìm mẹ nhưng không thấy đâu. Bố tôi ra hỏi thì hơn chục người vây quanh, bảo mẹ tôi giật hụi, bỏ trốn.
Bố tôi ngã quỵ, anh em tôi nấp sau cánh cửa, nước mắt chảy dài. Biết tin, ông bà ngoại chạy sang, hứa thay mẹ tôi trả nợ.
Một tháng sau, ông bà dọn sang ở cùng bố con tôi. Thì ra, ông bán hết nhà cửa, bán cả sợi dây chuyền kỷ niệm. Sau đó, ông đến từng nhà trả nợ thay mẹ tôi. Đến đâu, ông cũng chắp tay xin lỗi. Ông bảo: “Con dại thì cái mang, mong bà con thông cảm, đừng ghét bỏ cháu”.
Nợ nần xong xuôi, ông gọi mẹ tôi về nhà. Ông không trách cứ, chỉ hỏi mẹ tôi làm gì đến mức bể hụi. Biết được căn nguyên, ông nói: “Ban đầu, chồng con định bán nhà trả nợ. Nhưng, bố tính nó có bán hết cũng không đủ, mà bán nhà rồi thì mấy bố con ở đâu.
Bố mẹ già, sống nay chết mai, giữ nhà cửa, tài sản cũng chẳng để làm gì. Bố bán rồi về ở với gia đình con cho vui. Bố còn chút tiền, vợ chồng con giữ để làm lại từ đầu”.
Ông về ở chung, chỉ bảo bố mẹ tôi buôn bán. Nhờ vậy, gia đình tôi thoát cảnh thắt ngặt.
Năm ngoái, bà ngoại tôi qua đời. Lo xong hậu sự cho bà, ông ngồi tựa bàn thờ ứa nước mắt. Đó là lần đầu tôi thấy ông khóc. “Mẹ con đi trước, không biết sau này ai lo hương khói cho bố”, ông nói với bố mẹ tôi.
Nghe ông nói, mẹ tôi nghẹn ngào: “Con luôn cảm ơn cuộc đời đã cho anh em con một người bố đúng nghĩa. Anh em con nợ bố cả một đời, riêng con chỉ mong có kiếp sau để đền ơn bố.
Nay, mẹ con mất rồi, bố là chỗ dựa duy nhất của chúng con. Anh em con mong bố cho chúng con cơ hội chăm sóc bố đến mãn đời”.
Tôi biết ngày tháng sắp tới của ông sẽ thật dài khi không còn bà bên cạnh. Nhưng, tôi vẫn ích kỷ, mong ông sống thật lâu, thật khỏe bên con cháu.
Độc giả Tường Lam