Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.
Hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm
Thưa Thứ trưởng, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lựctừ ngày 14/2/2025. Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành Thông tư 29 dựa trên những quan điểm, nguyên tắc nào?
- Dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển.
Từ năm 2012 - 2024, quy định dạy thêm học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 26/8/2019.
Vì văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ nêu trên chưa đủ chế tài quản lý hoạt động này. Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu thực tế, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
Thông tư được xây dựng với 5 quan điểm và nguyên tắc; đó là: thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10/1/2024; không cấm mà chỉ quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm; việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Cùng với đó, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh, sự tôn nghiêm của nhà giáo và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vậy đâu là những điểm mới của Thông tư quy định dạy thêm, học thêm để có thể đảm bảo được các quan điểm, nguyên tắc nêu trên, thưa Thứ trưởng?
- Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GD&ĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã bảo đảm cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… giúp các em phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội...
Nhà trường tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện.
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, do đó Bộ GDĐT không cấm. Tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...
Chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ
Dư luận cho rằng, bêncạnh các quy định được cho làđột pháthì Thông tư cũng còn những điểm gây lúng túng cho công tác triển khai. Thứ trưởng chia sẻ gì trách nhiệm của các bên trong triển khai thực hiện Thông tư này?
- Việc ban hành Thông tư quy định dạy thêm, học thêm là để phù hợp với rất nhiều chính sách, quy định hiện hành và yêu cầu thực tiễn. Những ngày gần đây, qua theo dõi dư luận cho thấy, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội. Để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống thì điều quan trọng là cần việc hiểu đúng, làm đúng trách nhiệm của các bên.
Cụ thể: sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GD&ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
UBND các tỉnh cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định.
Cần thay đổi nhận thức xã hội về dạy thêm, học thêm.
Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương. Bộ lưu ý các nhà trường bổ trợ cho những học sinh thực sự còn đang yếu kém, chuẩn bị thi chuyển cấp và cần xác định đó là trách nhiệm cần phải làm…
Những gì Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Do vậy, dù bước đầu khó khăn nhưng mong rằng sẽ có sự đồng lòng, quyết tâm của thầy cô giáo trong triển khai. Bộ GD&ĐT sẽ sát sao cùng địa phương, nhà trường, thầy cô trong quá trình thực hiện.
Đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.
Vậy đâu là những giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả, thưa Thứ trưởng?
- Dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội. Do vậy cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả, như: giải pháp hành chính, giải pháp chuyên môn, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học, giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra; giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là những chính sách để bảo đảm đời sống cho nhà giáo.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nam Du (ghi)