Ngày 1-7, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo về kết quả tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tính đến ngày 30-6-2025.
Bộ GD-ĐT khẳng định, nội dung đề thi không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình
Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi năm nay đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29: "Đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Kỳ thi được thiết kế để thí sinh dự thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học sinh được học ở lớp 12. Theo đó, các thí sinh sẽ được chọn 2 môn học sở trường của mình đề dự thi và lấy kết quả xét tuyển sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Những năm trước đây, đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội.
Song, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định nội dung đề thi thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình.
Tỉ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.
Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đổi với môn toán và môn Tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều sĩ tử khá lo lắng. Các em cho rằng mức độ khó giữa đề thi thử trước đó và đề thi thật có khác nhau.
Trong tất các các môn, đề thi môn toán và tiếng Anh đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Yến Anh