Tiếng Anh và khoảng cách cơ hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Tiếng Anh và khoảng cách cơ hội trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
4 giờ trướcBài gốc
Định hướng đổi mới đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 được đánh giá là tích cực, nhưng độ khó mang tính học thuật lại đang dấy lên lo ngại về sự công bằng.
Từ kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy tại miền núi, cô giáo Phạm Thị Liên (Trường THPT Vị Xuyên, Tuyên Quang) đã thẳng thắn chỉ ra những điểm “lệch pha” trong đề thi, giữa mục tiêu đổi mới và khả năng tiếp cận của học sinh.
Cô giáo Phạm Thị Liên, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Vị Xuyên, Tuyên Quang. Ảnh: NVCC.
Kỳ vọng đúng đắn nhưng cần lộ trình phù hợp
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, cô giáo Phạm Thị Liên, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Vị Xuyên, Tuyên Quang nhận định đề thi môn Tiếng Anh, kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy một tín hiệu tích cực trong cách tiếp cận mục tiêu đổi mới đánh giá.
“Không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức ngôn ngữ, đề thi còn hướng đến mục tiêu đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong thực tế, phù hợp với định hướng lâu dài của ngành giáo dục là từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam”, cô Liên cho hay.
Theo cô Liên, đây là một kỳ vọng đúng đắn. Trong bối cảnh hội nhập, tiếng Anh không chỉ là môn học mà còn là công cụ quan trọng giúp học sinh tiếp cận tri thức toàn cầu, học tập, làm việc và giao tiếp hiệu quả trong đời sống. Đề thi có phần học thuật, yêu cầu vận dụng kỹ năng đọc hiểu và tư duy ngôn ngữ, cũng là một cách khuyến khích học sinh học tiếng Anh một cách thực chất hơn, hướng tới việc sử dụng được ngôn ngữ sau khi ra trường.
Tuy nhiên, dù kỳ vọng là đúng đắn, nhưng việc hiện thực hóa cần một lộ trình triển khai phù hợp. Chuyển hướng sang đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ là một bước tiến đáng ghi nhận, nhưng nếu quá trình này diễn ra quá nhanh so với khả năng thích ứng của phần lớn học sinh, đặc biệt là ở những khu vực còn nhiều hạn chế về điều kiện học tập, thì rất dễ tạo ra cảm giác “lệch pha” giữa mục tiêu định hướng và thực tiễn giáo dục.
“Chúng ta không thể đòi hỏi học sinh thi vượt trình độ nếu chính chương trình học chưa đi kịp đề thi. Sự thiếu đồng bộ giữa độ khó của đề thi và chương trình hiện hành có thể tạo ra khoảng cách lớn, nhất là với những học sinh không có điều kiện tiếp cận tài liệu nâng cao hoặc học thêm bên ngoài”, cô Liên cho hay.
Đề thi học thuật và khoảng cách tiếp cận
Đưa ra phân tích, cô Liên cho biết, so với đề tham khảo, đề thi chính thức môn Tiếng Anh tốt nghiệp vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc: 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút, tập trung vào từ vựng, đọc hiểu và sắp xếp câu.
Tuy nhiên, đề tham khảo được công bố trước kỳ thi mang tính định hướng, thể hiện rõ yêu cầu ở mức độ B1, bám sát chương trình lớp 12 và có những câu hỏi phân hóa ở mức độ B2. Còn đề thi thật lại “vượt ra khỏi những gì được hình dung”.
Đề thi môn Tiếng Anh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Mã đề 1105.
“Mức độ học thuật và yêu cầu phân tích trong đề thi năm nay cao hơn đáng kể. Nhiều câu hỏi đạt mức B2, thậm chí có phần gần C1, với lượng từ vựng và kiến thức chuyên sâu chuyên ngành và nhiều lối diễn đạt khó hiểu, quá xa lạ với đời sống học sinh phổ thông”, cô Liên cho hay.
Cụ thể, cô Liên cho biết, nhiều câu hỏi sử dụng từ vựng mang tính chuyên ngành hoặc học thuật, với mức độ C1-C2 như decarbonization, greenwashing, rhetoric, elucidate, scrutiny hay capital outlay. Đây là những từ không xuất hiện trong chương trình phổ thông, thậm chí không có trong các tài liệu ôn tập phổ biến, nhưng lại đòi hỏi học sinh phải hiểu đúng ngữ cảnh để trả lời chính xác.
Không chỉ dừng lại ở từ vựng, đề thi còn có các đoạn văn đọc hiểu dài, yêu cầu kỹ năng đọc lướt, đọc chi tiết và phân tích mạch văn bản. Những câu hỏi như chọn câu phù hợp để chèn vào đoạn văn (Sentence Insertion) hay câu hỏi tóm tắt ý chính của đoạn văn (Main Idea/ Summary Question), câu hỏi từ vựng học thuật và hiếm gặp (Academic Vocabulary), câu hỏi tìm từ/cụm từ đồng nghĩa (Synonym/Paraphrase), câu hỏi suy luận từ thông tin ngầm (Inference Question)…là những dạng câu hỏi này vốn phổ biến trong các bài thi học thuật quốc tế (IELTS, TOEFL), buộc thí sinh phải vận dụng tư duy logic, vốn là kỹ năng chưa được rèn luyện nhiều trong chương trình phổ thông hiện hành.
“Nhiều học sinh giỏi đã chia sẻ rằng dù đã ôn tập kỹ lưỡng, làm rất nhiều đề thi thử và đạt kết quả khả quan, nhưng khi bước vào phòng thi, các em không đủ thời gian để đọc hết các đoạn văn dài, chưa kể cỡ chữ nhỏ và áp lực tâm lý khiến việc xử lý thông tin càng trở nên khó khăn. Có em làm tốt nửa đầu bài thi, nhưng nửa sau gần như chỉ “khoanh đại”, cô Liên chia sẻ.
quyền lựa chọn không nên bị giới hạn bởi điều kiện
Cô Liên cho hay, thiết kế đề thi mang tính phân hóa là điều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh kỳ thi được dùng cho cả mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, phân hóa không đồng nghĩa với việc tạo ra rào cản, phân hóa không có nghĩa là tạo ra một đề thi quá sức với học sinh. Một kỳ thi công bằng không chỉ là thước đo đúng năng lực, mà còn là cơ hội để mọi học sinh dù đến từ đâu thì các em cũng có cơ hội được thể hiện mình.
Cô Liên và các học trò 2k7 trong giờ học chính khóa. Ảnh: NVCC.
“Với xu hướng thay đổi mạnh về độ khó thế này, liệu học sinh không có điều kiện học thêm, không học IELTS có còn dám đăng ký thi tiếng Anh? Liệu các em có chùn bước trước một môn học vốn dĩ là cầu nối quan trọng với thế giới?”, cô Liên băn khoăn.
Theo cô Liên, quan điểm cho rằng tiếng Anh là môn lựa chọn, học sinh ở vùng khó khăn hoặc gia đình không có điều kiện thì nên chọn môn khác, thay vì chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp, là một góc nhìn chưa đúng với tinh thần của một nền giáo dục công bằng và hội nhập, công bằng, nhân văn, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Điều này có thể vô tình giới hạn cơ hội của các em, những học sinh vốn đã nỗ lực gấp nhiều lần để tiếp cận tri thức trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Ở một khía cạnh khác, tác động này cũng có thể làm gián đoạn hành trình theo đuổi đam mê của nhiều học sinh yêu thích tiếng Anh, đặc biệt là những em ấp ủ ước mơ theo học các ngành liên quan đến ngoại ngữ, hay mong muốn trở thành giáo viên tiếng Anh để quay trở về quê hương giảng dạy sau khi tốt nghiệp.
“Đây là những ước mơ đáng được nuôi dưỡng, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn đang thiếu giáo viên tiếng Anh và chất lượng giảng dạy chưa đồng đều. Việc giữ gìn và tiếp sức cho những khát vọng như thế không chỉ có ý nghĩa với cá nhân học sinh, mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục lâu dài tại chính những địa phương còn nhiều khó khăn”, cô Liên chia sẻ.
Cô Liên cho rằng, không phải học sinh vùng khó không đủ năng lực, mà là các em chưa có cơ hội tiếp cận đề thi mang tính học thuật cao.
Nếu đề thi được thiết kế với yêu cầu cao hơn, thì chương trình học, tài liệu giảng dạy, phương pháp ôn tập và cơ chế hỗ trợ giáo viên, học sinh cũng cần được điều chỉnh tương ứng. Nếu thiếu sự đồng bộ này, những kỳ vọng về đổi mới có thể vô tình tạo thêm áp lực, khiến quá trình học tập và ôn luyện trở nên nặng nề, vượt quá khả năng của nhiều học sinh.
“Một đề thi tốt không chỉ phân loại, mà còn truyền cảm hứng học tập và tạo niềm tin vào sự công bằng”, cô Liên nhấn mạnh.
“Tôi mong, trong các kỳ thi tới, Bộ giáo dục và Đào tạo có thể thiết kế một đề thi vừa phân hóa hợp lý, vừa tạo cơ hội để mọi học sinh, để “Dù ở vùng trời quê hương nào, cũng là bầu trời Tổ quốc”, đều có thể tự tin thể hiện năng lực thật sự của mình”, cô Liên chia sẻ.
Mai Loan
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/tieng-anh-va-khoang-cach-co-hoi-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-post1551727.html