Chuyển đổi tất yếu kỳ thi dành cho học sinh lớp 12

Chuyển đổi tất yếu kỳ thi dành cho học sinh lớp 12
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa INT.
Những thay đổi chủ yếu liên quan đến môn thi, hình thức thi. Mỗi giai đoạn, kỳ thi cấp quốc gia dành cho học sinh lớp 12 cũng ghi dấu bước tiến về ứng dụng thành tựu khoa học đo lường, đánh giá; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, điểm không thay đổi là trong các giai đoạn, kỳ thi này đều do Bộ GD&ĐT chỉ đạo, tổ chức cùng một thời gian trên phạm vi toàn quốc và tổ chức thi trên giấy.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi mọi ngành nghề, hệ thống phải thay đổi căn bản về tư duy và các phương pháp tổ chức làm việc. Hiện nay, công nghệ đã thay đổi các phương thức đánh giá kết quả người học: Từ kiểm tra đánh giá trên giấy bút đến kiểm tra đánh giá trực tuyến; từ kiểm tra đánh giá trong lớp học đến việc đánh giá trên diện rộng… Các tổ chức khảo thí độc lập uy tín trên thế giới đã chuyển nhiều bài thi từ hình thức thi trên giấy sang máy tính, thi trực tuyến…
Chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính được Bộ GD&ĐT đưa ra một số năm nay. Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 Bộ GD&ĐT ban hành năm 2023 ghi rõ: Giai đoạn sau 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. Mới đây, kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu xây dựng Đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thí điểm tổ chức thi trên máy tính tại một số địa phương từ năm 2027, tiến tới tổ chức kỳ thi trên máy tính trong thời gian sớm nhất.
Tổ chức thi trên máy tính là xu thế với những lợi ích được khẳng định, như: Nâng cao tính khách quan, minh bạch, công bằng; tăng cường hiệu quả và tiết kiệm chi phí; phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Thực tế những năm qua, triển khai thi đánh giá năng lực ở các cơ sở giáo dục đại học uy tín, quy mô, cũng như một số kỳ thi online đã cho chúng ta một số kinh nghiệm quý báu, dần tháo gỡ được những vướng mắc cơ bản.
Tuy nhiên, với kỳ thi diện rộng có tính chất quốc gia cũng cần lường trước một số khó khăn thách thức. Trong đó, khó khăn đầu tiên là hạ tầng công nghệ thông tin với thực trạng thiếu trang thiết bị; nguy cơ mất điện, sự cố đường truyền Internet. Việc phát triển một hệ thống phần mềm thi trực tuyến đủ mạnh, bảo mật, ổn định, có khả năng chịu tải lớn cho hàng triệu lượt truy cập đồng thời là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin chất lượng cao.
Ngoài ra, còn có khó khăn liên quan đến năng lực sử dụng công nghệ thông tin của thí sinh và cán bộ coi thi; tâm lý lo ngại của phụ huynh, học sinh vì đã quen với hình thức thi truyền thống; vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trên hệ thống; chi phí đầu tư ban đầu… Đặc biệt, chuyển đổi sang thi trên máy tính đòi hỏi sự thay đổi trong cách ra đề, xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn và phù hợp với hình thức thi mới.
Do vậy, để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng, cần có những bước chuẩn bị ngay về hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, ngân hàng đề thi, nội dung câu hỏi thi và cơ chế, chính sách và pháp lý. Việc tăng cường truyền thông tạo sự đồng thuận trong xã hội, giảm bớt lo lắng cho phụ huynh, học sinh và huy động nguồn lực xã hội hóa cũng là giải pháp quan trọng cần triển khai.
Thảo Đan
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chuyen-doi-tat-yeu-ky-thi-danh-cho-hoc-sinh-lop-12-post737919.html