Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với học sinh

Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với học sinh
14 giờ trướcBài gốc
Bộ GD&ĐT vừa đưa dự thảo quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh nhằm lấy ý kiến rộng rãi.
Về hình thức khen thưởng, học sinh sẽ được tuyên dương trước lớp, trước toàn trường, nhận giấy khen, thư khen của hiệu trưởng.
Trong đó, học sinh được tuyên dương trước toàn trường vì có thành tích xuất sắc, hành vi tốt đẹp, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến học sinh khác trong trường hoặc có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện.
Còn học sinh bị kỷ luật là khi có hành vi và mức độ vi phạm đến mức xem xét kỷ luật. Các hành vi vi phạm đối với học sinh là khi học sinh thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục quy định tại Luật Giáo dục; hành vi vi phạm quy định của nhà trường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ GD&ĐT vừa đưa dự thảo quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh nhằm lấy ý kiến đến hết ngày 5/7 tới.
Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và các thành viên khác căn cứ tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm để xác định mức độ vi phạm. Mức độ 1 là vi phạm có tác hại đến bản thân học sinh. Mức độ 2 là vi phạm có ảnh hưởng tiêu cực trong phạm vi nhóm, lớp. Mức độ 3 là vi phạm có ảnh hưởng tiêu cực trong phạm vi trường.
Dự thảo cũng đưa ra biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học chỉ ở hai mức gồm nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi và không ghi vào hồ sơ, học bạ của học sinh.
Ngoài học sinh tiểu học, các đối tượng khác có thêm hình thức phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Như vậy, so với trước đây, Bộ GD&ĐT đã bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh vi phạm kỷ luật.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu, hình thức xử lý kỷ luật đảm bảo nguyên tắc không sử dụng biện pháp mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Thông tư cũng quy định một số hoạt động hỗ trợ để giúp học sinh khắc phục hành vi vi phạm như: Khuyên bảo, động viên để các em tự nhận thức được hành vi vi phạm và hướng khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục…
Bộ GD&ĐT nêu mục đích giảm nhẹ hình thức kỷ luật đối với học sinh nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và tự giác điều chỉnh, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ đồng thời hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.
Đảm bảo tính chủ động, tích cực trong thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh.
Tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến và đảm bảo lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan.
Đảm bảo phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, giới tính, thể chất, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh.
Quy định mới sau khi lấy ý kiến góp ý của thầy cô giáo, chuyên gia, cha mẹ học sinh sẽ áp dụng vào thực tế thế thế quy định cũ đã tồn tại gần 40 năm.
Theo quy định trước đây, học sinh vi phạm đến mức kỷ luật sẽ bị khiển trách, cảnh cáo trước toàn trường, tạm dừng học ở trường có thời hạn một tuần đến một năm.
Tuy nhiên, đến năm 2020, trong Thông tư ban hành điều lệ trường học được Bộ GD&ĐT quy định: "Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh".
Hà Linh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/bo-gddt-du-kien-bo-hinh-thuc-ky-luat-dinh-chi-hoc-doi-voi-hoc-sinh-post1740344.tpo