Bộ GD&ĐT lưu ý giải pháp tiếp tục triển khai quy định mới về dạy, học thêm

Bộ GD&ĐT lưu ý giải pháp tiếp tục triển khai quy định mới về dạy, học thêm
3 ngày trướcBài gốc
Cô trò Trường THCS Hà Lộc (Phú Thọ) trong giờ học.
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa Thông tư số 29
Giải pháp đầu tiên là tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Thông tư số 29.
Theo đó, tuyên truyền phân tích rõ những hệ lụy, tiêu cực, tác hại của DTHT tràn lan, không đúng quy định; về giá trị của việc quản lý chặt chẽ DTHT nhằm hướng tới một nền giáo dục không còn DTHT.
Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng của gia đình cho sự phát triển nhân cách, tri thức và đạo đức của trẻ; vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tham gia quản lý, giám sát hoạt động DTHT theo thẩm quyền.
Nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn
Với giải pháp này, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc chỉ đạo các địa phương nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; tiếp tục đổi mới phương pháp, đa dạng hình thức tổ chức dạy học, đặc biệt chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, không gây áp lực về điểm số.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 và lớp 10 bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành, giảm áp lực, giảm tốn kém, góp phần giảm DTHT không đúng quy định.
Thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện Chương trình GDPT, đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình.
Phân công giáo viên đảm bảo định mức tiết dạy theo quy định, ưu tiên phân công phù hợp cho giáo viên dạy cuối cấp để có thời gian hỗ trợ tối đa cho học sinh ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo quy định, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
Không tổ chức ôn tập tràn lan, không đúng đối tượng, không hiệu quả, gây lãng phí; tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm học 2 buổi/ngày
Chỉ đạo các Sở GD&ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh bố trí nguồn ngân sách và tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đủ trường, lớp và bảo đảm chất lượng để mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường, giảm áp lực trong tuyển sinh, kiên quyết không để học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục không đường đến trường.
Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chỉ đạo địa phương sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập để tổ chức các hoạt động theo nhu cầu, thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm theo thẩm quyền trách nhiệm
Chỉ đạo các địa phương sớm ban hành theo thẩm quyền quy định về dạy thêm học thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 29, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương và các quy định hiện hành, đẩy nhanh kế hoạch kiểm tra nhằm mục đích thúc đẩy, kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Đề xuất ngay giải pháp cho học sinh ôn thi lớp 9, 12 tránh xáo trộn việc giảng dạy tại các nhà trường.
Tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan, ban, ngành của địa phương trong việc quản lý dạy thêm, học thêm của địa phương.
Thực hiện tốt “5 không” và “4 đề cao” trong triển khai Thông tư số 29
“5 không” là: không “đánh trống bỏ dùi”, không thỏa hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm.
“4 đề cao” là: đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội.
Phát động, triển khai các phong trào tự học thiết thực, hiệu quả
Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, phát huy tinh thần tự chủ, tự giác trong học tập.
Tùy tình hình thực tế và từng giai đoạn cụ thể xem xét phát động các phong trào tự học thiết thực, hiệu quả; đưa kết quả “tự học” trở thành mục tiêu thi đua, đánh giá trong năm học.
Rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống các văn bản
Ban hành các quy định sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường tiểu học, trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Giáo dục và các Luật khác có liên quan.
Ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, quy định về kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Xây dựng các chương trình bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đào tạo mới, đào tạo lại giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, đặc biệt đối với các môn học mới như Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để tăng tính trải nghiệm cho học sinh.
Tiếp tục rà soát Chương trình GDPT 2018, tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Hải Bình. Ảnh: Trần Hiệp
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-luu-y-giai-phap-tiep-tuc-trien-khai-quy-dinh-moi-ve-day-hoc-them-post724902.html