Các nhà trường vừa giảng dạy theo chương trình chính khóa, vừa bồi dưỡng kiến thức để học sinh đủ năng lực tham gia các kỳ thi. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Khó khăn để đăng ký dự thi
Lớp 12A1, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh có 49 học sinh nhưng trong đợt đăng ký Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội vào tháng 3 vừa qua, chỉ có hơn 30 học sinh trong lớp may mắn giành được suất để tham dự. Học sinh Lan Anh, lớp 12 A1 cho biết: Rất nhiều bạn lớp em cảm thấy rất buồn vì đã không được tham gia kỳ thi này. Bản thân em đã ngồi từ sáng đến 11 giờ nhưng không đăng ký thành công. Sau đó, em may mắn được người nhà cùng tham gia đăng ký nên đã "trúng" lượt thi thứ 5 tại Nam Định.
Còn Lê Huy, học sinh lớp 12D, Trường Trung học Phổ thông Lê Viết Thuật (thành phố Vinh), sau 2 lần đăng ký vẫn không thành công. Bởi vậy, thay vì tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Huy buộc phải chọn phương án 2 là tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học sư phạm Hà Nội để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, đây không phải là phương án tối ưu của Huy, bởi kỳ thi riêng của Đại học sư phạm Hà Nội chủ yếu chỉ để xét tuyển vào hơn 20 trường sư phạm. Trong khi đó, Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có hơn 100 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển và số lượng ngành, nghề cũng rộng hơn, giúp thí sinh dễ dàng đăng ký.
Trước đó, theo thông báo của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay, nhà trường sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với 90.000 chỗ thi. Tuy nhiên, ngay trong ngày đăng ký đầu tiên, do số lượng đăng ký quá đông, có thời điểm mạng bị nghẽn, rất nhiều thí sinh phải đợi khoảng 30 - 60 phút để lựa chọn được địa điểm thi, ca thi. Nhiều thí sinh sau đó đã không đăng ký dự thi được ở kỳ thi năm nay, dù các em đã dành khá nhiều thời gian, công sức để ôn thi. Một điều đặc biệt ở kỳ thi năm nay là dù theo quy định, mỗi thí sinh được đăng ký thi tối đa 2 đợt thi, tuy nhiên, sau đợt mở cổng đăng ký thi lần 1, toàn bộ các chỗ thi đã được đăng ký hết, do vậy không có thí sinh nào đăng ký được đủ 2 đợt thi.
Ngày 16/3 vừa qua, Bảo Ngọc, học sinh lớp 12A, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng là 1 trong hơn 11.000 thí sinh đầu tiên tham dự đợt 1 Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù đã đạt mức điểm khá cao (103/150 điểm), Ngọc vẫn chưa thể yên tâm vì mức điểm này chưa đủ để trúng tuyển vào ngành Kế toán kiểm toán – Đại học Kinh tế quốc dân như mục tiêu em đã đề ra. Trước đó, Ngọc đã có điểm IELTS 7.0, đạt giải Nhì học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp tỉnh nhưng em cho biết, các cơ hội vào đại học với các tiêu chí này còn nhiều khó khăn. Thế nên, sau Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, cuối tháng 3, Ngọc sẽ vào Huế để dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngọc cho rằng, em đã dành toàn bộ thời gian của lớp 12 để chuẩn bị cho các kỳ thi riêng, nhưng sau hơn 3 tiếng làm bài thi, có nhiều câu hỏi em chưa thể làm trọn vẹn. Đề Toán năm nay khó hơn các năm trước, có nhiều câu hỏi thuộc chương trình cũ. Tại đề thi Văn học – Ngôn ngữ, lượng kiến thức trải dài từ bậc tiểu học đến trung học, nếu không có kiến thức rộng, khó có thể hoàn thành. Môn em tự tin nhất là môn Tiếng Anh, cũng là phần thi em đạt điểm cao nhất với 44/50 điểm. Ngọc cho biết. sau hai kỳ thi đánh giá năng lực, em sẽ tập trung chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để tăng cơ hội trúng tuyển.
Tăng tốc ôn tập
Kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang ngày được nhiều thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, do đây là kỳ thi riêng của các trường đại học nên việc học và ôn thi và dự thi của nhiều thí sinh gặp nhiều khó khăn. Hiện ở Nghệ An gần như chưa có trung tâm nào tổ chức ôn thi kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cho thí sinh.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, hầu hết các thí sinh đều chọn một khóa ôn thi trên mạng với số tiền từ 3 – 5 triệu đồng. Ngoài khó khăn trong việc đăng ký dự thi, ôn thi, việc phải di chuyển đến nhiều tỉnh, thành phố khác nhau cũng khiến các gia đình thí sinh tốn thêm chi phí. Ngoài kỳ thi này, nhiều thí sinh đang chọn các phương thức khác như thi lấy chứng chỉ IELTS, SAT, ACT... với kinh phí đầu tư hàng chục triệu đồng. Áp lực “chồng” áp lực đang là thực tế chung của học sinh lớp 12. Trong khi đó, cánh cửa vào đại học theo phương thức lấy điểm từ Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đang ngày một “hẹp” vì chỉ tiêu của các trường đại học cho phương thức này đang ngày một ít, thậm chí nhiều trường top đầu chỉ lấy 15 – 20% trên tổng chỉ tiêu.
Thời điểm này, các trường học đang tập trung cao độ cho việc giảng dạy theo chương trình chính khóa, vừa bồi dưỡng kiến thức để học sinh đủ năng lực tham gia các kỳ thi.
Năm học 2024 - 2025, Trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 1 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) có hơn 500 học sinh lớp 12, trong đó có hơn 400 lượt thí sinh đăng ký tham gia các kỳ thi riêng. Thầy giáo Nguyễn Triều Tiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm gần đây, học sinh tham gia các kỳ thi riêng có xu hướng tăng, nhà trường chỉ đạo các tổ bộ môn và giáo viên giảng dạy theo hướng bám sát chuẩn kiến thức, mở rộng liên hệ thực tế, tích hợp kiến thức liên môn theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực, thi chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để học sinh đáp ứng tốt yêu cầu các kỳ thi riêng, có thêm cơ hội lựa chọn các trường đại học phù hợp với năng lực, sở thích.
Do thi đánh giá năng lực là xu hướng hiện nay, việc dạy và học cũng đã được điều chỉnh để giúp thí sinh trong quá trình ôn tập. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã yêu cầu các trường học chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên thực hiện biên soạn dạng thức câu hỏi, đề kiểm tra đánh giá định kì, bài thi đánh giá năng lực để phục vụ cho quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá. Các câu hỏi, đề kiểm tra đánh giá định kì, bài thi đánh giá năng lực phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, bám sát năng lực đặc thù của môn học với cấp độ tư duy phù hợp, cần tiếp cận với dạng thức câu hỏi đánh giá năng lực theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và kỳ thi riêng của các trường đại học.
Bích Huệ (TTXVN)