Bỏ xét tuyển sớm, điểm chuẩn sư phạm còn tăng đột biến?

Bỏ xét tuyển sớm, điểm chuẩn sư phạm còn tăng đột biến?
20 giờ trướcBài gốc
Không còn là “phao cứu sinh”?
Một buổi sáng đầu tháng 4, trong lớp học của Trường Trung học phổ thông (THPT) Đống Đa (Hà Nội), Lê Huyền Trang vẫn miệt mài với những trang sách và bài tập. Học kỳ cuối cùng của năm lớp 12 sắp kết thúc, và kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Cô bạn đang chuẩn bị cho hành trình bước vào cánh cửa đại học, nhưng lần này, có một thay đổi lớn mà cô vẫn thấy hoang mang kèm theo nhiều lo lắng. Một thông tin mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là bỏ hẳn phương thức xét tuyển sớm từ năm 2025 đã khiến nhiều học sinh, trong đó có Trang, phải suy nghĩ lại về việc chọn trường.
Nếu như những năm trước, với những học sinh như Trang, việc xét tuyển sớm là một chiếc “phao cứu sinh” trong một cuộc đua đầy căng thẳng. Với ước mơ được làm giáo viên, cô đã nỗ lực ôn luyện SAT từ năm lớp 11, tham gia các khóa học tiếng Anh, chuẩn bị hồ sơ để có thể trúng tuyển vào đại học sư phạm ngay từ khi bắt đầu năm học lớp 12. Tuy nhiên giờ đây, tất cả kế hoạch của cô bỗng chốc bị đảo lộn.
“Như mọi năm, em đã chắc chắn giành suất vào đại học sư phạm, nhưng năm nay thì chưa có gì chắc chắn. Điều này khiến em phải tiếp tục học cho đến khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT- Trang trăn chở.
Bỏ xét tuyển sớm, khiến các học sinh phải tiếp tục học cho đến khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh minh họa
Giáo viên Nguyễn Hà Anh, người đã đồng hành cùng các thế hệ học sinh qua nhiều kỳ thi, nhìn nhận quyết định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo như một sự thay đổi mang tính “cải cách”. “Bỏ xét tuyển sớm sẽ tạo ra động lực học tập thật sự cho các em. Nếu không có áp lực phải thi tốt nghiệp, thì những học sinh đã trúng tuyển sớm sẽ không còn động lực để nỗ lực học hành nữa” - cô chia sẻ.
Cô Hà Anh kể lại câu chuyện của một học sinh lớp 12 trong năm ngoái, em đã trúng tuyển vào một trường đại học hàng đầu từ tháng 11, nhưng sau đó hoàn toàn buông lỏng việc học, chỉ “học cho có”. Hệ quả là, kết quả thi tốt nghiệp của em thấp hơn so với kỳ vọng, và cuối cùng, em không thể theo học ở ngôi trường mong muốn.
Thực tế cũng cho thấy, mùa tuyển sinh năm 2024, điểm chuẩn vào các trường sư phạm tăng đột biến, gây nhiều bất ngờ cho thí sinh và phụ huynh. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, điểm chuẩn ngành Sư phạm Hóa học lên đến 29,81 điểm, yêu cầu thí sinh đạt trung bình 9,94 điểm/môn. Tương tự, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn là 29,8 điểm.
Một trong những nguyên nhân chính là việc nhiều trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm, như xét học bạ hoặc kỳ thi riêng, dẫn đến việc thiếu chỉ tiêu cho xét tuyển chung. Điều này khiến điểm chuẩn xét tuyển chung tăng cao, nhiều học sinh có điểm số rất cao, thậm chí đạt mức gần tuyệt đối trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng vẫn không thể vào ngành mình mong muốn.
Ths. Nguyễn Ngọc Hưng - người có kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực quản lý giáo dục cho rằng, điều này không chỉ khiến các em thất vọng mà còn tạo ra một sự phân hóa không công bằng giữa các học sinh có điều kiện tham gia xét tuyển sớm và những học sinh khác. Đặc biệt, những học sinh ở các vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, không có nhiều cơ hội tham gia các kỳ thi riêng hay có chứng chỉ quốc tế, đã không thể cạnh tranh công bằng.
Dạy thật, học thật, nhân tài thật
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với quy chế tuyển sinh mới, học sinh sẽ có một cơ hội công bằng hơn, khi mọi thí sinh đều phải xét tuyển cùng một đợt, dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các chứng chỉ quốc tế nếu có. Quy chế cũng quy định rõ rằng các trường đại học không được phép xét tuyển sớm mà phải sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để quyết định việc trúng tuyển.
Ths. Nguyễn Ngọc Hưng nhận định, với sự thay đổi này, dù có những học sinh cảm thấy tiếc nuối vì những nỗ lực trước đây không được công nhận ngay lập tức, nhưng quy chế mới sẽ giúp tất cả học sinh có một cơ hội tuyển sinh bình đẳng hơn. Mỗi học sinh sẽ không còn phải lo lắng về việc xét tuyển sớm hay hết chỉ tiêu, mà thay vào đó, họ sẽ tập trung vào việc ôn thi thật tốt, chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng hơn.
Học sinh Nguyễn Minh Tú, học sinh lớp 12 Trường THPT Tân Quang (Bắc Quang, Hà Giang) chia sẻ: “Vì không có điều kiện để tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, nên em cảm thấy việc bỏ xét tuyển sớm giúp em giảm áp lực và tạo cơ hội có những thí sinh ở vùng cao như chúng em”.
Lãnh đạo nhiều trường đại học cũng nhận định, việc bỏ xét tuyển sớm không chỉ giúp học sinh tăng động lực học tập, thầy cô tăng trách nhiệm ôn tập, bảo đảm chất lượng giáo dục ở cấp trung học phổ thông cũng như chất lượng tuyển sinh đại học mà còn hướng tới mục tiêu “Dạy thật, học thật, nhân tài thật”.
Ths. Nguyễn Ngọc Hưng cho biết thêm, với việc bỏ xét tuyển sớm, dự kiến điểm chuẩn vào các trường sẽ có sự điều chỉnh nhất định, đặc biệt là các trường tốp đầu trong đó có sư phạm. Các trường sẽ phải cân đối lại chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, việc điểm chuẩn có tăng hay giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chất lượng thí sinh và nhu cầu đăng ký xét tuyển.
“Nhìn chung, thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm 2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường tuyển sinh công bằng, minh bạch hơn, đồng thời giảm bớt áp lực cho thí sinh và gia đình” - ông Hưng khẳng định.
Hiện có khoảng 70 cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025; trong đó đều không có xét tuyển sớm và thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ hợp xét tuyển, quy đổi điểm, số kỳ xét học bạ trung học phổ thông…
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-xet-tuyen-som-diem-chuan-su-pham-con-tang-dot-bien-381013.html