Bộ GD&ĐT thông tin, trong thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được ngành Giáo dục cụ thể hóa trong nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương, vùng miền, lứa tuổi, cấp học. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phương thức tổ chức các hoạt động giáo dục; đa dạng hóa các chủ đề sinh hoạt
Đoàn, Hội, Đội; lồng ghép, tích hợp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh thông qua các môn học và các hoạt động giáo dục. Việc đổi mới nội dung chương trình, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo trong ngành Giáo dục và trong các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên đã tạo hiệu quả rõ rệt.
Bộ GD&ĐT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật về xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục toàn diện cho học sinh; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Các địa phương đã tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm thiết chế để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích trên địa bàn; chỉ đạo các nhà trường xây dựng nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử, giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng - chống bạo lực học đường với sự tham gia của gia đình và các cơ quan, tổ chức của địa phương, đồng thời tham gia giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc kiểm tra, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được thực hiện thường xuyên tại các nhà trường, các địa phương và cấp trung ương. Kết quả kiểm tra, đánh giá được thể hiện trong báo cáo của các nhà trường, các địa phương và cấp trung ương. Ngoài ra, kết quả còn được nêu trong các báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo giám sát chuyên đề trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý của cử tri để tăng cường các giải pháp trong thời gian tới.
Về đề nghị kiểm tra, đánh giá việc giảng dạy của giảng viên ở các trường đại học bởi có hiện tượng một bộ phận sinh viên thiếu đạo đức, văn hóa, không đáp ứng yêu cầu công việc khi ra trường, có hiện tượng giảng viên giảng dạy không đủ giờ, tác phong, việc giảng dạy có khi chưa nghiêm túc. Nhiệm vụ của giảng viên đã được quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Nhà giáo và các Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các chuẩn (chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn cơ sở giáo dục đại học...), triển khai khung trình độ quốc gia; các tiêu chuẩn về đánh giá, kiểm định chất lượng: Chỉ đạo các cơ sở đào tạo xây dựng và vận hành hệ thống đảm đảm chất lượng nội bộ và đẩy mạnh kiểm định chất lượng, trong đó có cầu phần quan trọng là đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên và chịu sự giám sát thông qua cơ chế công khai.
Đồng thời, theo quy định, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm ban hành quy chế tổ chức và hoạt động; quy định về giảng viên; thực hiện định kỳ lấy ý kiển phản hồi của người học về giảng viên; thực hiện giám sát hoạt động giảng dạy của giảng viên qua phản ánh, kiến nghị (đơn, thư hoặc thông tin trên mạng xã hội); có trách nhiệm xem xét xử lý trường hợp giảng viên không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của nhà trường.
Văn Lang