Nắm bắt thời cơ để triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo

Nắm bắt thời cơ để triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo
3 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh hội nghị.
Giáo dục và đào tạo đạt được nhiều thành tựu
Chiều 6/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các địa phương và cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Quán triệt triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Kết luận 91), Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Cụ thể, hoàn thành phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn được nâng cao, chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học;
Cùng với đó, giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng. Ngoài ra, giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học; đổi mới phương pháp dạy - học và thi, kiểm tra, đánh giá ngày càng hiện đại, thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc quán triệt triển khai thực hiện Kết luận 91.
Hiện thực hóa Kết luận 91
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Kết luận 91 yêu cầu: Phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập trên nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT trong thực hiện Kết luận 91 là: Quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện mầm non, phổ thông, thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học cho học sinh, sinh viên; hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDĐT;
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDĐT; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục; đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GDĐT; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Cơ hội để tạo chuyển biến trong toàn ngành
Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi, để đạt được mục tiêu đến năm 2030: giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới, cần hoàn thiện thể chế; đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường;
Đồng thời, thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục;
Mặt khác, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 57.
Quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Giáo dục đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển đột phá, chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành.
Trong đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Theo Thứ trưởng, Nghị quyết 57 là chủ trương, quyết sách mạnh mẽ mang tính cách mạng để phát triển. Hệ thống giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngày 9/1/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57. Theo đó, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu.
Giáo dục đại học hiện có gần 90.000 người là giảng viên và hơn 2 triệu sinh viên. Thứ trưởng nhìn nhận, đây là đội ngũ phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ. Thực hiện Nghị quyết 57, ngành Giáo dục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm.
Chẳng hạn như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn”; trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao năng lực hệ thống và hiệu quả quản lý nhà nước, tối ưu hiệu quả hoạt động của giáo dục đại học; phát triển mạng lưới giáo dục đại học số, tạo mục tiêu nâng cao chất lượng; xây dựng khung phát triển giáo dục đại học làm căn cứ tiếp tục đổi mới phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đại học; tập trung đào tạo nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo…
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Về lĩnh vực giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thực hiện Kết luận 91 và Nghị quyết 57, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các Sở GD&ĐT yêu cầu báo cáo công tác giảng dạy tiếng Anh, công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành Đề án Quốc gia, từng bước đưa tiếng anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, từ quy chế đến mẫu đề thi theo chương trình mới.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành một số thông tư như: Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT “Ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT”; Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đây cũng là nội dung cụ thể hóa về đổi mới giáo dục theo Nghị quyết của Đảng.
Thứ trưởng đề nghị, lãnh đạo các Sở GD&ĐT quán triệt tinh thần đổi mới phù hợp Luật Giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó lấy trọng tâm là thầy, cô giáo và người học.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Cụ thể hóa các nhiệm vụ
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện Kết luận 91, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 có tác động to lớn tới giáo dục và đào tạo; do đó, các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm cần nỗ lực khắc phục khó khăn, nắm bắt thời cơ để triển khai thực hiện.
Thứ trưởng cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành chương trình hành động. Bộ cũng chủ động ban hành chương trình hành động thực hiện các Kết luận, Nghị quyết, Chiến lược nêu trên.
Đại biểu thảo luận tại hội nghị.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động quán triệt nội dung văn bản trong toàn ngành nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. Các Sở GD&ĐT tích cực tham mưu với địa phương về việc thực hiện các văn bản phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách của địa phương liên quan đến giáo dục phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu trong các Kết luận, Nghị quyết, Chiến lược.
Các cơ sở giáo dục đại học quán triệt sâu rộng và thống nhất đồng thuận trong triển khai thực hiện các văn bản tại từng cơ sở. Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ về giáo dục đại học; rà soát sửa đổi, bổ sung chiến lược phát triển của trường phù hợp với các văn bản. Chủ động nghiên cứu triển khai những chủ trương mới, nhất là về đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kết luận hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục đại học tiếp thu quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đồng thời chia sẻ chương trình hành động cụ thể của địa phương, của trường nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận 91, Nghị quyết 57 và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Minh Phong. Ảnh: Trần Hiệp.
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nam-bat-thoi-co-de-trien-khai-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-post718514.html