Bộ GD&ĐT dự kiến siết chỉ tiêu xét tuyển sớm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Trong đó, bộ dự kiến siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, đồng thời có những thay đổi về phương thức xét học bạ.
Cụ thể, đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.
Đặc biệt, trong trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh thay vì dùng kết quả 3-5 học kỳ như một số trường đã áp dụng trong các năm trước.
Hoàn toàn ủng hộ
Khi nghe tin Bộ GD&ĐT đưa ra loạt dự thảo mới về công tác tuyển sinh, Nguyễn My (học sinh THPT ở Hà Tĩnh), nói rằng em không quá bất ngờ vì chuyện này sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Cá nhân nữ sinh ủng hộ các dự thảo của bộ, cho rằng việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm và thay đổi cách xét tuyển bằng học bạ là điều hợp lý.
Nữ sinh lý giải các năm trước, nhiều trường đại học tổ chức xét tuyển sớm ngay khi học sinh đang học lớp 12 và chỉ yêu cầu điểm học bạ 3-5 kỳ, điều này Nguyễn My cảm thấy rất bất cập vì 3-5 học kỳ vẫn không thể đánh giá toàn diện năng lực học tập của học sinh.
Hơn nữa, nữ sinh nhận thấy việc xét tuyển bằng học bạ ồ ạt cũng gây ra tình trạng các trường THPT và các giáo viên nâng điểm một cách “mù quáng” cho học sinh để làm đẹp học bạ, phục vụ cho việc xét tuyển.
Nguyễn My lấy ví dụ ở trường mình đang theo học, nhiều trường hợp học sinh bỏ trắng bài thi cuối kỳ, bỏ làm bài kiểm tra một tiết, 15 phút… vẫn được nhập điểm vào sổ. Kết quả, đến cuối học kỳ và cuối năm học, điểm tổng kết của phần lớn học sinh đều đạt loại khá, giỏi.
“Em thấy điểm học bạ THPT ngày càng lạm phát, việc nâng điểm cho học sinh cũng được “bình thường hóa”, không ai phản đối, cũng không ai thắc mắc gì với điều này”, My nói với Tri Thức - Znews.
Chung quan điểm với Nguyễn My, Diệu Linh (học sinh THPT ở Hà Nội) cũng ủng hộ dự thảo siết xét tuyển học bạ của Bộ GD&ĐT. Nữ sinh tin rằng nếu dự thảo này chính thức được áp dụng, công tác tuyển sinh đại học sẽ công bằng hơn.
Diệu Linh đặc biệt ủng hộ kế hoạch xét tuyển bằng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh do Bộ GD&ĐT đặt ra. Em nêu rằng việc nhiều trường xét tuyển học bạ 3-5 học kỳ như trước đây là không hợp lý vì thiếu đi một học kỳ cũng đồng nghĩa với việc học sinh đó chưa tốt nghiệp THPT.
“Em thấy việc xét tuyển sớm rất kỳ quặc vì xét tuyển ngay trong năm học lớp 12 thì học sinh đã tốt nghiệp THPT đâu. Xét tuyển như vậy không phù hợp, cũng không đảm bảo điều kiện xét tuyển đại học. Vì thế, em ủng hộ đề xuất xét tuyển học bạ cả năm lớp 12 để đảm bảo công bằng cho học sinh”, Linh nêu quan điểm.
Học sinh kỳ vọng công tác tuyển sinh đại học sẽ công bằng, rộng mở cơ hội cho các thí sinh bị hạn chế điều kiện học tập. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.
Gửi gắm nhiều kỳ vọng
Cũng nói thêm về công tác xét tuyển, tuyển sinh đại học, Diệu Linh bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT cùng các trường đại học có thể thảo luận và đi đến thống nhất về cách thức tuyển sinh thay vì “trăm hoa đua nở” như hiện nay.
Theo nữ sinh, hiện nay, các trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển, mỗi trường lại có những hình thức lựa chọn thí sinh khác nhau. Là người đặt ra nguyện vọng ở 4 trường đại học phía bắc, Linh cho biết em rất rối khi tìm hiểu về công tác tuyển sinh của các trường vì mỗi trường một kiểu, thậm chí có trường dùng đến 6 phương thức khác nhau.
“Em mong các trường nên thống nhất dùng khoảng 3-4 phương thức xét tuyển là đủ, đừng nhiều quá, cũng đừng ‘đẻ’ thêm phương thức mới vì học sinh bọn em chạy theo rất mệt.
Trong khi đó, Nguyễn My lại mong rằng các trường đại học sẽ cân nhắc lại về việc sắp xếp chỉ tiêu tuyển sinh. Nữ sinh nói rằng nếu việc xét tuyển sớm và xét tuyển học bạ được siết chặt, các trường nên mở rộng chỉ tiêu cho các thí sinh đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nữ sinh nói bản thân không bàn lùi, chỉ là mong muốn các thí sinh ở các tỉnh nhỏ, các vùng sâu, vùng xa có thêm cơ hội vào đại học tốt. Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là cách tối ưu nhất, tiết kiệm nhất để được vào đại học. Còn với những phương thức khác như xét tuyển bằng SAT, IELTS hoặc điểm thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy, nhiều học sinh vẫn khó tiếp cận vì không có nơi học, hoặc học phí rất đắt đỏ.
“Em từng học IELTS để xét tuyển đại học nhưng phải bỏ dở vì đắt quá. Ôn thi đánh giá năng lực cũng rất đắt, một số nơi thu học phí cả chục triệu cho một khóa. Vì thế, em nghĩ rằng nếu các trường trao quá nhiều chỉ tiêu cho IELTS, đánh giá năng lực…, những học sinh không có điều kiện sẽ rất thiệt thòi”, My nêu quan điểm.
Ngoài ra, Nguyễn My cũng đề xuất Bộ GD&ĐT và các trường cần xem xét thêm những tiêu chuẩn khi xét tuyển bằng học bạ. Nữ sinh nói rằng dù yêu cầu xét điểm cả năm lớp 12 và bắt buộc phải có điểm môn Toán/Ngữ văn, tình trạng lạm phát học bạ vẫn có thể xảy ra. Hơn nữa, My nhận thấy Toán và Ngữ văn lại là hai môn được ưu tiên nâng điểm nhiều nhất trong các môn học thuộc chương trình THPT.
Vì thế, nữ sinh kỳ vọng thay vì xét điểm học bạ theo hướng độc lập, các trường chỉ nên coi phần điểm này là một tiêu chí phụ để tuyển sinh. Như vậy, tình trạng lạm phát học bạ sẽ giảm, các trường cũng có thể tuyển được những thí sinh có năng lực xứng đáng với yêu cầu đặt ra.
Thái An