Lo ngại sức khỏe tinh thần của học sinh THPT

Lo ngại sức khỏe tinh thần của học sinh THPT
7 giờ trướcBài gốc
Học sinh THPT đang chịu nhiều áp lực về học tập, môi trường sống
Ngày 26/11, thông tin từ Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP Hồ Chí Minh) xác nhận, em P.Q.D. (sinh năm 2008, học sinh lớp 11) tử vong tại trường, nghi ngã từ tầng 4 xuống đất. Theo trích xuất camera thì học sinh này tự nhảy từ tầng 4 xuống. Bình luận về vụ việc trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng em học sinh này nghĩ quẩn vì không chịu nổi áp lực học tập.
Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa phương khác trong đó có Hải Dương, trong những năm gần đây, các vấn đề về hành vi, cảm xúc ở học sinh, nhất là học sinh bậc THPT như mất tập trung, phát triển sớm, yêu sớm, nghiện game online, chán học, thiếu kỹ năng xã hội... ngày càng có xu hướng gia tăng.
Vừa qua, một nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất mô hình phòng ngừa, can thiệp”. Nhóm nghiên cứu đề tài đã thực hiện khảo sát tại 18 trường THPT trong tỉnh với hơn 1.100 học sinh. Qua khảo sát cho thấy trong số 1.100 học sinh khảo sát có 706 học sinh sức khỏe tinh thần ở mức độ bình thường, 235 học sinh ở mức độ ranh giới và có 159 học sinh bị rối loạn tâm lý, thậm chí không kiểm soát được hành vi của mình.
Học sinh ngày càng phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần do sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, mạng xã hội, giảm khả năng tương tác xã hội, áp lực học tập...
Gia đình, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của học sinh, đặc biệt là học sinh khối THPT (ảnh minh họa)
Nếu tính thời gian một ngày bình thường của một học sinh THPT hiện nay thì các em phải học ít nhất 2 ca, nhiều có thể tới 4 ca. Lịch học kín mít ở trường, lớp học thêm khiến các em dễ mệt mỏi, về nhà lại tiếp tục phải hoàn thành bài tập đến khuya mới xong.
Ngoài học các môn văn hóa ở trường, học thêm, các em còn phải chạy đua để hoàn thành các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS... Với lịch học dày đặc, gần như các em không còn thời gian để trò chuyện với người thân trong gia đình.
Nhiều gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, cha mẹ sớm đề ra mục tiêu con phải vào trường này, trường kia với những ngành học theo mong muốn của người lớn trong gia đình chứ không phải bản thân các em. Do vậy, nhiều em cảm thấy chán nản, uể oải, ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Con số 14,4% trong số học sinh được khảo sát bị rối loạn tâm lý, thậm chí không kiểm soát được hành vi của mình khiến chúng ta không khỏi giật mình. Nó như một hồi chuông cảnh tỉnh về những hậu quả nếu các vấn đề về sức khỏe tinh thần ở học sinh không được can thiệp kịp thời. Thực tế, có những em tỏ cách chống đối bằng việc bỏ học, nói dối, tụ tập theo bạn bè xấu... Nhiều trường hợp học sinh có hành vi tự hại, đau lòng hơn đó là những trường hợp các em tự tử bởi những áp lực từ học tập, mối quan hệ bạn bè…
Thực trạng trên cho thấy học sinh THPT hiện nay cần được hỗ trợ tâm lý, giúp các em biết cách chia sẻ cảm xúc của mình. Tuy nhiên tại Hải Dương, dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường vẫn còn hạn chế. Hầu hết các trường học chưa có nhân viên tâm lý chuyên trách hoặc phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả.
Để giảm tâm bệnh cho các em học sinh THPT, trước hết phải xuất phát từ gia đình. Các gia đình cần phối hợp để hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội. Khuyến khích các em dành thời gian cho hoạt động rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần góp phần xây dựng hoàn thiện nhân cách. Đối với học sinh có biểu hiện tâm lý bất thường, gia đình cần tìm đến sự hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, xử lý các triệu chứng như mất ngủ, ảo giác, rối loạn tinh thần…
Các nhà trường cần xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ học sinh. Tăng cường giáo dục về kỹ năng sống và cách giảm căng thẳng thông qua buổi ngoại khóa, hội thảo để học sinh học cách quản lý cảm xúc và áp lực. Giảm tải chương trình học để tạo điều kiện cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi, phát triển toàn diện. Đẩy mạnh sự tương tác giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh để tạo cảm giác an toàn, gần gũi...
MINH NGUYÊN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/lo-ngai-suc-khoe-tinh-than-cua-hoc-sinh-thpt-399068.html