Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 2 giải pháp nhằm xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông. Thứ nhất là bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ (giai đoạn khai thác) để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng. Thứ hai là chấm dứt hợp đồng và bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng có trách nhiệm chia sẻ giảm lợi nhuận, lãi vay bảo đảm hài hòa lợi ích.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chọn giải pháp thứ hai vì điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để giải quyết các vướng mắc hiện nay của các dự án BOT.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc Quốc hội thông qua dự luật sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc, giúp chấm dứt tình trạng phải tiếp tục thực hiện nhiều đề án khác nhau và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các dự án BOT giao thông.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng một bộ tiêu chí khoa học, minh bạch, nhằm đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia dự án, đồng thời ngăn chặn tình trạng trục lợi, lãng phí.
Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT giao thông đã ký kết trước năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo, bổ sung quy định cụ thể về việc sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ hoặc chấm dứt các dự án này vào điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP sửa đổi.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng danh mục dự án để hoàn chỉnh Đề án. Đến nay, trong tổng số 140 dự án BOT giao thông trong cả nước (66 dự án do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền, 74 dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền), có 11 dự án đã định lượng cụ thể khó khăn, vướng mắc cần được xử lý.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm doanh thu (chủ yếu do đầu tư đường cao tốc song hành, đường ngang) nhưng chưa thể định lượng được như Dự án BOT Quốc lộ 26 nguy cơ sụt giảm doanh thu do đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Cầu 38-thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817 - Km887 (Đắk Nông) nguy cơ sụt giảm doanh thu do đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành…
Danh sách 11 dự án BOT gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị xử lý bao gồm 8 dự án do Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm: Dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa (gồm tuyến tránh phía đông và tuyến tránh phía tây đoạn Km0 - Km6; Dự án Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án Xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì; Dự án Xây dựng công trình cầu Thái Hà. Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Còn lại là 3 dự án do các địa phương chịu trách nhiệm gồm: Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT (UBND tỉnh Lạng Sơn); Dự án Xây dựng cầu An Hải (UBND tỉnh Phú Yên); Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 39B và đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê (UBND tỉnh Thái Bình).
Bạch Khởi