Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân Dự án BOT Quốc lộ 51

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân Dự án BOT Quốc lộ 51
3 giờ trướcBài gốc
Quốc lộ 51 trong thời gian qua xuống cấp và quá tải hết sức trầm trọng hiện đang được cấp tập sửa chữa tạm thời.
Văn bản số 11908/BGTVT-TC của Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ Tài chính kiến nghị về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là Dự án mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, mới đây Bộ nhận được văn bản của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về việc kiến nghị đầu tư sửa chữa hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó có việc kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính thực hiện nhanh các thủ tục xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản của Dự án mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức BOT.
Bộ Giao thông vận tải nhận định, vấn đề quản lý, bảo trì Quốc lộ 51 là hết sức cấp thiết. Bên cạnh đó tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản có tính đặc thù, phục vụ mục đích công cộng, dân sinh, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng...
Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm phải tổ chức quản lý, khai thác đảm bảo liên tục, thông suốt và an toàn. Từ đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính thống nhất xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với Dự án mở rộng Quốc lộ 51 để có giải pháp quản lý hữu hiệu, không “bỏ trống” như hiện nay.
Hiện tại, Dự án mở rộng Quốc lộ 51 là tài sản đã được doanh nghiệp dự án bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam nên cần được hỗ trợ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời tổ chức, thực hiện công tác quản lý, bảo trì và khai thác tài sản.
Dự án mở rộng Quốc lộ 51 do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào năm 2009, tổng thời gian thu phí hợp đồng dự án là 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).
Cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Đến cuối năm 2018, do một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng. Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, ngày 9/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã phát Văn bản số 137/CĐBVN tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 51 từ 7 giờ ngày 13/1/2023. Trong khi đó, hàng chục cuộc đàm phán diễn ra trong thời gian dài giữa hai bên vẫn chưa kết quả.
Sau đó, tài sản Dự án mở rộng Quốc lộ 51 được nhà đầu tư đề nghị tạm dừng công tác bảo trì dự án và bàn giao tài sản dự án cho Cục Đường bộ Việt Nam vào cuối tháng 1/2023. Ngày 19/4/2023, BVEC đã bàn giao 72,7km bao gồm chiều dài đường và chiều dài cầu trên 25m thuộc đoạn tuyến từ Km0+900- Km73+600 Quốc lộ 51 cho Cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa bàn giao nhà điều hành, hệ thống thiết bị thu phí, cũng như các tài sản khác phục vụ cho dự án.
Để đảm bảo việc quản lý, bảo trì khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được liên tục, đảm bảo an toàn, nhằm bảo vệ, kéo dài thời gian khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận các hạng mục tài sản BVEC bàn giao để thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo quản tài sản.
Từ đó đến nay, về mặt quản lý Nhà nước Dự án mở rộng Quộc lộ 51 được Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, tuy nhiên về mặt tài sản thì chưa được xác lập quyền sở hữu toàn dân, trở thành tình trạng… vô chủ.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đã được nhà đầu tư bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam, nhằm kịp thời tổ chức, thực hiện quản lý, bảo trì và khai thác một cách toàn diện tuyến đường huyết mạch, tránh lãng phí, thất thoát; các vướng mắc giữa các bên nếu có sẽ tiếp tục tìm cách giải quyết, xử lý.
Nguyễn Đức Dũng
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/bo-giao-thong-van-tai-kien-nghi-xac-lap-quyen-so-huu-toan-dan-du-an-bot-quoc-lo-51-387909.html