Theo Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan này đã nhận được phản hồi của 3 địa phương dọc tuyến là TP.HCM, Tiền Giang và Long An thống nhất với đề nghị giao Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan có thẩm quyền dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Về cơ bản, cả 3 địa phương có tuyến cao tốc này đi qua đều không thể kịp hoàn thành các thủ tục liên quan để có thể khởi công dự án trong quý II/2025 và thống nhất việc Bộ Giao thông Vận tải sẽ đóng vai trò cơ quan có thẩm quyền đối với việc mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch về miền Tây nói trên.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy định của pháp luật về đối tác công tư, về đường bộ, việc đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP thuộc thẩm quyền của bộ này. Trường hợp cần thiết, theo đề nghị của địa phương, Thủ tướng có thể giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng từ 4 làn xe đầy đủ lên 8 làn xe đầy đủ
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao bộ này là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP để có cơ sở tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 1/2025 và sớm khởi công dự án trong quý II/2025.
Trước đó, vào tháng 3/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất giao liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty CP Tasco là nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nhà đầu tư đề xuất) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.
Hiện nhà đầu tư đề xuất đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trình Bộ Giao thông Vận tải để thẩm định phê duyệt trong tháng 1/2025.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án PPP đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 98 km, được chia làm 2 dự án thành phần.
Vĩnh Tế