Bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học sinh: Lãnh đạo nhiều trường bày tỏ e ngại

Bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học sinh: Lãnh đạo nhiều trường bày tỏ e ngại
8 giờ trướcBài gốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh để lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, dự thảo bỏ các hình thức kỷ luật học sinh mang tính chất công khai như đuổi học, tạm dừng học có thời hạn, khiển trách hoặc cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường. Thay vào đó, hướng tới các biện pháp giáo dục tích cực như nhắc nhở riêng, hỗ trợ, phối hợp với phụ huynh.
Nhiều trường hợp học sinh cá biệt phải có biện pháp nghiêm khắc mới đủ sức răn đe
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Chí Bắc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Xuyên (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Việc sử dụng các biện pháp tích cực hơn khi học sinh mắc lỗi như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh là điều rất nhân văn. Tuy nhiên, nếu loại bỏ hẳn những hình thức kỷ luật cao hơn như khiển trách, cảnh cáo trước lớp hay tạm đình chỉ học thì cần xem xét kỹ lưỡng.
Trên thực tế, những biện pháp xử lý nghiêm khắc chỉ được nhà trường áp dụng trong một số trường hợp học sinh cá biệt, khi các hình thức giáo dục thông thường không còn mang lại hiệu quả.
Giáo viên luôn ưu tiên phương pháp giáo dục mang tính nhân văn, trong đó thuyết phục và định hướng hành vi học sinh là trọng tâm. Song, có không ít trường hợp học sinh dù đã được nhắc nhở nhiều lần vẫn tái phạm. Nghiêm trọng hơn, có em khiến gia đình buộc phải can thiệp bằng những biện pháp mạnh mới tạo được chuyển biến. Với những học sinh cá biệt như vậy, việc nhà trường chỉ khuyên bảo bằng lời nói sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nề nếp chung.
Với những học sinh mắc lỗi nghiêm trọng hoặc tái vi phạm nhiều lần, bắt buộc nhà trường phải có biện pháp rõ ràng. Nếu không có những hình thức xử lý mang tính cảnh cáo, răn đe, hiệu quả giáo dục trong nhà trường khó có thể đạt được như mong muốn.
Mặt khác, có những trường hợp phụ huynh gần như buông lỏng quản lý con em, giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Khi đó, thầy cô phải linh hoạt kết hợp giữa thuyết phục và các biện pháp xử lý mang tính răn đe để đảm bảo hiệu quả. Dù vậy, quan điểm nhất quán của nhà trường vẫn là giáo dục bằng sự nhân văn là chính, các biện pháp kỷ luật chỉ được sử dụng như một công cụ hỗ trợ khi thật sự cần thiết.
Bên cạnh đó, cần dựa vào trường hợp cụ thể để đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Mặc dù, nhà trường không khuyến khích áp dụng những biện pháp mạnh, nhưng vẫn cần có quyền sử dụng những biện pháp này để đảm bảo hiệu quả giáo dục”.
Theo thầy Trần Chí Bắc, việc nhắc nhở riêng trong nhiều trường hợp thể hiện sự tế nhị và tôn trọng học sinh, tuy nhiên, nếu áp dụng một cách cứng nhắc, hình thức này có thể không phát huy được tính răn đe và giáo dục tập thể. Trong môi trường học đường, mỗi hành vi lệch chuẩn cần được xử lý minh bạch và đúng mức độ để không chỉ người vi phạm nhận thức được sai lầm, mà còn tạo bài học chung cho các học sinh khác.
Nếu mọi vi phạm đều được giải quyết trong âm thầm, những thông điệp về kỷ cương và nề nếp có thể bị lu mờ, khiến học sinh dễ nảy sinh tâm lý xem nhẹ nội quy. Do đó, tùy tính chất vụ việc, việc xử lý công khai với tinh thần giáo dục chứ không bêu xấu là cần thiết để duy trì kỷ luật và tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng trường, lớp.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Xuyên trong buổi lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập huyện Tiền Hải. Ảnh: website nhà trường.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Lại Văn Vương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đánh giá: “Nếu loại bỏ các hình thức kỷ luật công khai như đuổi học, tạm dừng học có thời hạn, khiển trách hay cảnh cáo trước lớp, việc xử lý vi phạm trong nhà trường sẽ trở nên quá nhẹ, làm giảm đi vai trò giáo dục toàn diện của nhà trường.
Khi đó, trường học chỉ còn là nơi truyền đạt kiến thức, mà không còn thực hiện đầy đủ chức năng giáo dục đạo đức, hình thành, phát triển nhân cách cho học sinh. Không có khen thưởng hay kỷ luật rõ ràng, các em sẽ khó nhận thức được đâu là đúng, đâu là sai.
Công tác giáo dục học sinh trong nhà trường đang đứng trước nhiều thách thức do sự thiếu đồng thuận giữa ba lực lượng chủ chốt: gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý. Phụ huynh lo lắng việc con bị kỷ luật sẽ ảnh hưởng đến tâm lý; cơ quan quản lý thận trọng vì lo ngại nếu có sai sót trong giáo dục sẽ gây phản ứng từ dư luận xã hội; trong khi nhà trường lại không có đủ công cụ hoặc cơ chế rõ ràng để áp dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật hiệu quả với những học sinh cá biệt.
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhà trường không còn phê bình học sinh trước toàn trường. Trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, nếu có học sinh vi phạm, trường chỉ nêu khái quát, hoặc đề cập đến tên lớp, không nêu tên học sinh. Việc nêu đích danh khiến học sinh xấu hổ, ảnh hưởng tâm lý, nên đã được hạn chế.
Tuy nhiên, có những trường hợp nhà trường vẫn buộc phải thực hiện khiển trách công khai. Tại trường, học sinh chủ yếu được đoàn trường phụ trách quản lý, nhắc nhở. Học sinh thường vi phạm các lỗi như không mặc đồng phục đúng quy định hay không tuân thủ nội quy lớp học đều được kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở. Nếu gọi riêng từng học sinh ra nhắc nhở sẽ mất nhiều thời gian và không đủ răn đe hoặc làm gương trong môi trường tập thể.
Bên cạnh đó, vào cuối mỗi học kỳ, nhà trường tiến hành đánh giá kết quả thi đua của từng lớp. Việc tuyên dương hay xử phạt học sinh trong tập thể lớp là cần thiết, nhằm tạo điều kiện để các em cùng nhau rút kinh nghiệm, nâng cao ý thức kỷ luật. Trách nhiệm tập thể sẽ thúc đẩy mỗi cá nhân tự điều chỉnh hành vi, tránh ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp.
Do đó, nếu loại bỏ hoàn toàn các hình thức xử lý mang tính răn đe, nhà trường sẽ rất khó khăn trong việc giáo dục ý thức, kỷ luật cho học sinh, nhất là những học sinh vi phạm nghiêm trọng hoặc tái vi phạm nhiều lần. Nếu không có hình thức kỷ luật cao, khi học sinh vi phạm nghiêm trọng nhà trường buộc phải mời cơ quan chức năng địa phương tới làm việc. Khi đó, vấn đề sẽ càng trở nên phức tạp hơn.
Đối với hình thức tạm dừng học có thời hạn, nhà trường áp dụng rất hạn chế để tạo điều kiện cho các em vi phạm không bị bỏ lỡ kiến thức trong quá trình học tập. Trong thực tế, có trường hợp phụ huynh chủ động đề nghị nhà trường cho con tạm nghỉ vài buổi học để gia đình trực tiếp dạy dỗ, uốn nắn. Thậm chí, có phụ huynh mong muốn cho con trải nghiệm lao động để các em nhận thức rõ hơn về hậu quả hành vi của mình và từ đó thay đổi thái độ, quay trở lại trường với tinh thần học tập nghiêm túc.
Nếu bỏ hình thức tạm dừng học có thời hạn, thì nhất thiết phải có hình thức giáo dục, kỷ luật học sinh ở mức đủ nghiêm khắc để răn đe giúp học sinh điều chỉnh hành vi. Chỉ khi học sinh nhận thức được giới hạn và trách nhiệm cá nhân trong một môi trường có kỷ cương, thì quá trình giáo dục mới toàn diện và hiệu quả.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định.
Trong khi đó, thầy Bùi Văn Chiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Lạc (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) cho hay: “Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh nhằm hướng tới các biện pháp giáo dục tích cực là bước thay đổi rất hay. Việc tạo điều kiện để học sinh có cơ hội nhận ra lỗi lầm và tự khắc phục sai sót không chỉ giúp các em trưởng thành hơn mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, hiệu quả.
Ngoài ra, bỏ hình thức kỷ luật bằng khiển trách hoặc cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường và thay thế bằng cách nhắc nhở riêng là hợp lý. Việc công khai lỗi của học sinh trước mặt bạn bè sẽ ảnh hưởng đến danh dự và lòng tự ái của các em, dễ dẫn đến cảm giác bị tổn thương hoặc xấu hổ. Thay vào đó, khi giáo viên trao đổi trực tiếp với học sinh, không chỉ giúp các em nhận ra khuyết điểm của bản thân mà còn tạo cơ hội để các em cảm thấy được tôn trọng và hiểu rõ những hành vi cần phải thay đổi.
Cách tiếp cận này còn tạo ra sự gắn kết giữa giáo viên và học sinh, giúp thầy cô trở thành những người bạn đồng hành, hỗ trợ học sinh trong việc vượt qua khó khăn, thay vì chỉ là người thực thi kỷ luật. Môi trường học đường sẽ trở nên hòa nhập, công bằng hơn, tạo ra không gian thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của mỗi học sinh".
Để giáo dục học sinh hiệu quả cần sự chung tay của toàn xã hội
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Xuyên cho rằng, nếu loại bỏ hoàn toàn các biện pháp nghiêm khắc mà không có hình thức xử lý tương xứng thì hiệu quả giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.
Để tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh và tích cực, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa giúp học sinh rút ra bài học và trưởng thành, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục. Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và xã hội sẽ giúp việc giáo dục học sinh, đặc biệt là những trường hợp cá biệt, đạt được hiệu quả cao hơn.
Nếu bỏ các hình thức kỷ luật học sinh mang tính chất công khai như đuổi học, tạm dừng học có thời hạn, khiển trách hoặc cảnh cáo trước lớp, trước toàn trường, nhà trường sẽ gần như không còn công cụ nào đủ sức răn đe đối với học sinh vi phạm. Vì vậy, nhà trường buộc phải phối hợp với chính quyền địa phương để cùng tham gia vào công tác giáo dục và quản lý.
Trong một số trường hợp, nhà trường có thể phối hợp với công an địa phương và các tổ chức đoàn thể để cùng tham gia giáo dục, quản lý học sinh. Việc này không chỉ chia sẻ trách nhiệm với nhà trường mà còn tạo nên một mạng lưới hỗ trợ toàn diện hơn. Nếu giao hết trách nhiệm cho nhà trường mà lại bỏ đi các biện pháp cần thiết để xử lý vi phạm thì công tác giáo dục sẽ gặp nhiều hạn chế.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Lạc cho rằng, với những trường hợp học sinh có hành vi vi phạm nghiêm trọng, dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn cố tình tái phạm nhiều lần, nhà trường cần có biện pháp can thiệp và xử lý phù hợp. Trước hết, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để cùng trao đổi, tìm giải pháp giáo dục phù hợp nhằm giúp học sinh nhận thức được sai phạm và điều chỉnh hành vi.
Việc xử lý học sinh vi phạm rất cần sự phối hợp chặt chẽ với gia đình. Các em còn trong độ tuổi mới lớn, đôi khi thiếu suy nghĩ chín chắn, nên việc trao đổi với phụ huynh là cần thiết trước khi có biện pháp can thiệp sâu hơn.
Tuy nhiên, trong những trường hợp việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình không đạt được kết quả như mong muốn, phụ huynh có thể cân nhắc cho học sinh tham gia các chương trình giáo dục bổ sung hoặc tiếp cận sự hỗ trợ từ các cơ sở giáo dưỡng chuyên biệt. Đây không phải là hình thức trừng phạt, mà là giải pháp hỗ trợ nhằm tạo môi trường phù hợp hơn để các em điều chỉnh hành vi và phát triển tích cực.
Thầy Bùi Văn Chiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Lạc. Ảnh: NVCC
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu bày tỏ: "Khi xây dựng các quy định về giáo dục, cơ quan có thẩm quyền cần lắng nghe những người trực tiếp quản lý, giảng dạy tại các nhà trường để chính sách được xây dựng sát hơn với tình hình thực tế ở từng địa phương, từng vùng miền.
Ngoài ra, cũng cần có hướng dẫn rõ ràng về việc nên hay không nên công khai những trường hợp vi phạm cụ thể, để nhà trường có thể linh hoạt trong xử lý, vừa giữ được tính giáo dục, vừa tránh gây áp lực không cần thiết cho học sinh".
Hồng Hạnh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/bo-hinh-thuc-ky-luat-dinh-chi-hoc-sinh-lanh-dao-nhieu-truong-bay-to-e-ngai-post251343.gd