Theo đó, Bộ KH&CN hướng dẫn làm rõ định nghĩa, nội hàm và lượng hóa 6 khái niệm mới trong Nghị quyết 57, gồm có: Bản sao số của thành phố; năng lực cạnh tranh số quốc gia; kinh tế dữ liệu; học tập số; năng lực số; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngang tầm doanh nghiệp công nghệ của các nước tiên tiến.
Việc xây dựng hướng dẫn làm rõ định nghĩa, nội hàm, lượng hóa các khái niệm mới trong Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ KH&CN với mục đích thống nhất nhận thức để tổ chức triển khai Nghị quyết quan trọng này.
Thống nhất cách hiểu về năng lực cạnh tranh số quốc gia
Trong đó, về năng lực cạnh tranh số quốc gia, tại Việt Nam hiện chưa có khái niệm này. Dựa trên báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh số thế giới năm 2024 do Trung tâm Cạnh tranh thế giới thuộc Viện Phát triển quản lý quốc tế - IMD thực hiện, Bộ KH&CN đã hướng dẫn thống nhất cách hiểu về năng lực cạnh tranh số quốc gia.
Cụ thể, năng lực cạnh tranh số quốc gia được định nghĩa là khả năng của một quốc gia trong việc sử dụng và phát triển các công nghệ số để nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của quốc gia đó.
Nội hàm của năng lực cạnh tranh số quốc gia là việc đánh giá, phân loại và xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương dựa trên năng lực và mức độ sẵn sàng của một nền kinh tế trong việc tiếp cận và khai thác công nghệ số - động lực then chốt cho quá trình chuyển đổi kinh tế trong doanh nghiệp, chính phủ và toàn xã hội.
Đưa ra đề xuất cách thức tổ chức việc đánh giá, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh số quốc gia, Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò đầu mối liên lạc, trao đổi với Viện Phát triển quản lý quốc tế - IMD và các tổ chức quốc tế khác để Việt Nam tham gia vào quá trình đánh giá của các tổ chức quốc tế và có kết quả công bố, xếp hạng về năng lực cạnh tranh số thế giới.
Khi các tổ chức quốc tế thực hiện việc đánh giá năng lực cạnh tranh số của Việt Nam và đưa ra các chỉ số, tiêu chí, cách thức đánh giá cụ thể, Bộ KH&CN sẽ cụ thể hóa, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan phối hợp, tổ chức triển khai, cung cấp số liệu để thực hiện việc đánh giá và thúc đẩy các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh số của Việt Nam.
Hiện tại, trong khi Việt Nam chưa được tham gia đánh giá chính thức, các nội dung tóm tắt về bộ chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh số thế giới của Viện Phát triển quản lý quốc tế - IMD được Bộ KH&CN gửi để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, quan tâm thúc đẩy nâng cao các chỉ số xếp hạng thành phần về năng lực cạnh tranh số theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Học tập số: tập huấn nâng cao kỹ năng số
Đối với khái niệm "Học tập số", hướng dẫn của Bộ KH&CN nêu rõ, học tập số trong Nghị quyết 57 được hiểu là học tập kỹ năng số, là quá trình tiếp thu, phát triển và nâng cao kỹ năng, năng lực sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả, phù hợp, an toàn và có trách nhiệm phục vụ cho mục đích cá nhân, học tập, nghề nghiệp hay tham gia xã hội trên môi trường số.
Về nội hàm, học tập kỹ năng số gồm nhiều khía cạnh, từ kiến thức lý thuyết đến kỹ năng thực hành, từ cơ bản đến nâng cao như: Kiến thức, kỹ năng công nghệ cơ bản; kiến thức, kỹ năng truy cập, tìm kiếm, khai thác thông tin, dữ liệu trên môi trường số; kiến thức, kỹ năng tương tác, giao tiếp và cộng tác trên môi trường Internet; kiến thức, kỹ năng sáng tạo nội dung số; kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường số; kiến thức kỹ năng nhận diện và giải quyết vấn đề trên môi trường số; kỹ năng học tập liên tục và thích ứng.
Việc đo lường, lượng hóa học tập số được thực hiện qua số lượng tiếp cận các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số; tỷ lệ học viên hoàn thành khóa học; tỷ lệ người dân có kỹ năng cơ bản về CNTT và truyền thông.
Về cách thức tổ chức thực hiện công tác học tập số, Bộ KH&CN đề xuất cùng Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành có liên quan xây dựng khung kỹ năng số, chuẩn kỹ năng số và kế hoạch triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số phục vụ từng đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.
Các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số, phong trào "Bình dân học vụ số" phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn. Khuyến khích các địa phương triển khai những mô hình, cách làm sáng tạo, đạt kết quả và hiệu quả cao.
Quỳnh Anh