Nghị quyết số 57-NQ/TW - đòn bẩy chiến lược đưa TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm khoa học công nghệ và tài chính khu vực
Kim chỉ nam cho sự phát triển khoa học công nghệ
TP. Hồ Chí Minh hiện có gần 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp, mỗi năm Thành phố đã tổ chức hơn 500 sự kiện về đổi mới sáng tạo (ĐMST), hệ sinh thái ĐMST đang tiệm cận Top 100 toàn cầu. Cùng với đó, Thành phố đã hỗ trợ 152 dự án ĐMST, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới, UAV và công nghệ tự hành.
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đang xúc tiến xây dựng Viện Công nghệ tiên tiến, Trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế và nâng cấp Trung tâm đào tạo tại Khu CNC trở thành Trung tâm nhân lực số đạt chuẩn khu vực.
Là đơn vị đầu mối và điều phối chung về phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số trên địa bàn, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở KHCN TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia được ban hành, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai Chương trình hành động số 63-CTrHĐ/TU ngày 27/02/2025, cùng với đó là hàng loạt kế hoạch cụ thể của UBND Thành phố và các sở ngành. Trong đó, Sở KHCN đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Min. Ảnh: Đức Mỹ
Trong quý I/2025, Thành phố đã đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống hành chính, ban hành gần 1.800 quy trình nội bộ, trong đó có hơn 1.700 quy trình được cắt giảm, tinh gọn, giúp tiết kiệm hơn 3.500 giờ làm việc và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng trong xây dựng chính quyền số.
Cùng với đó, Chính quyền Thành phố cũng đã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch về KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và đẩy mạnh nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ thử nghiệm công nghệ mới, trong đó có các lĩnh vực mũi nhọn như AI, blockchain, IoT, UAV và công nghệ sạch.
Ông Thắng cũng cho rằng, một trong những điểm sáng trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW tại TP. Hồ Chí Minh là công tác đào tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ĐMST. Theo đó, Sở KHCN đã tổ chức lớp đào tạo chuyên sâu về AI cho 110 cán bộ công chức viên chức - đánh dấu bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực số. Thành phố cũng đẩy mạnh truyền thông và xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến để phổ cập kiến thức về công nghệ cho mọi tầng lớp xã hội.
Về hạ tầng số, TP. Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án kết nối sàn giao dịch công nghệ vùng Đông Nam Bộ, triển khai ứng dụng AI hỗ trợ người dân và cán bộ trong xử lý thủ tục hành chính. Hệ thống công nghệ thông tin được nâng cấp toàn diện để phục vụ 923/1.995 thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 79,74%); với 100% cơ quan nhà nước đã vận hành trên môi trường số, tạo tiền đề xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh.
Thành phố đã tổ chức hơn 10 sự kiện gồm hội thảo xây dựng trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu và cuộc thi vi mạch đô thị thông minh. Ảnh: Đức Mỹ
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cũng khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW trong việc định hình tương lai phát triển của Thành phố và đánh giá cao vài trò của Sở KHCN trong công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đây còn là một trong những yếu tố then chốt, giải pháp quan trọng cho sự phát triển của Thành phố trong thời gian tới.
Nền móng chiến lược trở thành trung tâm KHCN và tài chính khu vực
Song song với nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ triển khai nhiều đề án lớn về phát triển công nghiệp bán dẫn, đào tạo nhân lực AI, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, triển khai dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính, và xúc tiến xây dựng hệ thống dữ liệu mở toàn Thành phố. Những nội dung này không chỉ là hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, mà còn là nền móng cho một chiến lược dài hạn về phát triển đô thị thông minh.
Tuy nhiên, để cụ thể hóa các mục tiêu này, ông Lâm Đình Thắng cho biết, Sở KHCN tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số đến đào tạo nhân lực chất lượng cao. Một trong những định hướng trọng tâm là xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo AI, vi mạch và nhân lực trình độ quốc tế.
Đánh giá về công tác này, ông Huỳnh Thành Đạt - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ hàng đầu cả nước, có điều kiện thuận lợi để đi đầu trong triển khai các chính sách KHCN, ĐMST, chuyển đổi số. Nghị quyết số 57-NQ/TW là cơ hội để Thành phố tạo động lực mạnh mẽ, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ông Đạt kiến nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế pháp lý trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về KHCN, đầu tư công, sở hữu trí tuệ, chính sách thuế để tháo gỡ rào cản, khuyến khích ĐMST. TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các công nghệ mới như AI, blockchain, IoT.
Đức Mỹ