Chiều ngày 19/4, tại hội thảo về giao thông xanh diễn ra tại Hà Nội, TS Vương Xuân Cần, Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường ĐH GTVT cho biết, tại Hà Nội, 100% xe đưa đón học sinh hiện nay chạy diesel với tuổi đời khác nhau, trong khi xe buýt công cộng lại đang dần được điện hóa.
Xe buýt điện nên được đưa vào sử dụng để đưa đón học sinh.
Tuy nhiên theo TS Cần, hiện nay, hạ tầng trạm sạc chưa đồng bộ và phủ rộng, chi phí đầu tư xe buýt điện cao khiến doanh nghiệp, nhà trường lo ngại. Khả năng tiếp cận phương tiện cho từng cấp học cũng đa dạng bởi hiện nay chưa có xe buýt điện nhỏ trong khi xe đưa đón học sinh chỉ cần loại vừa để dễ dàng di chuyển trong nội thành.
Từ đó, TS Vương Xuân Cần đề xuất, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật với xe buýt điện đưa đón học sinh, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp sản xuất xe buýt điện cho học sinh, ví dụ về thuế và các chi phí khác để doanh nghiệp đầu tư, phụ huynh yên tâm sử dụng.
Tại hội thảo, một báo cáo cũng chỉ ra hiện chi phí để đầu tư xe buýt chạy bằng diesel loại 30 chỗ chỉ xấp xỉ 2 tỷ đồng còn 30 chỗ gần 2,4 tỷ đồng. Trong khi đó con số tương ứng với xe buýt điện cùng số chỗ ngồi lần lượt là 3,9 và 4,3 tỷ đồng.
Dẫn ví dụ tại các quốc gia đã sử dụng xe buýt điện cho học sinh như Mỹ hay Canada… TS Cần cho biết, đã có những tác động hiệu quả đến sức khỏe, sự phát thải so với các loại xe khác.
"Tại Mỹ, lợi ích kinh tế mang lại rất lớn, đồng thời cải thiện sức khỏe cộng đồng. Song để mang lại lợi ích kinh tế thì cũng phải có chính sách tài trợ, ưu đãi thuế của Chính phủ.
Việt Nam cũng có những tiềm năng để phát triển xe buýt điện đưa đón học sinh như xe điện được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, quá trình điện hóa xe buýt công cộng ở các đô thị lớn, quy định tiêu chuẩn an toàn cho xe buýt học sinh ngày một yêu cầu cao…
Thêm vào đó, việc sử dụng các phương tiện cá nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro TNGT khiến xe buýt đưa đón trở thành phương tiện an toàn hơn. Các trường học sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh rất lớn...
Các hạt bụi mịn PM2.5 và các hợp chất như NOx, SO2 có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh hô hấp, tim mạch, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của học sinh", TS Cần chia sẻ thêm.
TS Vương Xuân Cần, Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường ĐH GTVT.
Trước tình hình Việt Nam cam kết Net Zero vào năm 2050, xe điện ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi xanh, hướng đến giao thông xanh.
"Chuyển đổi xe buýt điện là một giải pháp tiềm năng nhằm giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trải nghiệm di chuyển cho học sinh", TS Cần khẳng định.
Cẩm Tú