Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm, các nước lớn ứng phó thế nào?

Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm, các nước lớn ứng phó thế nào?
8 giờ trướcBài gốc
"1 tuyên bố siết xuất khẩu 10 công ty quốc phòng Mỹ ảnh hưởng"
Đất hiếm được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cả quân sự, đặc biệt là phục vụ sản xuất nam châm công nghệ cao cho động cơ hiện đại như xe điện.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Quốc tế (CSIS), khoảng 90% xe điện hiện nay sử dụng động cơ có nam châm đất hiếm. Các nguyên tố đất hiếm như neodymium (Nd), praseodymium, dysprosium và terbium được dùng trong sản xuất nam châm vĩnh cửu – bộ phận cực kỳ quan trọng trong động cơ điện hiệu suất cao của xe điện.
Trung Quốc hiện là quốc gia có sản lượng đất hiếm đứng đầu thế giới. (Ảnh: Reuters)
Hơn nữa, trong quân sự, các loại khoáng chất này được sử dụng để sản xuất máy bay chiến đấu F-35, tàu ngầm lớp Virginia và Columbia, tên lửa Tomahawk, hệ thống radar, máy bay không người lái Predator và loạt bom thông minh Joint Direct Attack Munition...
Theo CSIS, Trung Quốc hiện không chỉ có khoảng 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu, mà còn kiểm soát gần như toàn bộ quá trình tinh chế đất hiếm với khoảng 90% công suất tinh chế trên toàn thế giới.
Quốc gia này cũng có các mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới, sản xuất khoảng 270.000 tấn khoáng sản trong năm 2024.
Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại sản phẩm đất hiếm loại trung bình và nặng, bao gồm Samarium, Gadolinium, Terbi, Dysprosi, Luteti, Scandi và Yttri.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm các công nghệ tách và chiết xuất đất hiếm.
Lệnh cấm có tác động đáng kể đến việc phát triển năng lực chuỗi cung ứng đất hiếm bên ngoài Trung Quốc do hai yếu tố chính.
Thứ nhất, quốc gia này sở hữu chuyên môn kỹ thuật chuyên biệt trong lĩnh vực này mà các quốc gia khác không có. Thứ hai, phần lớn các cơ sở chế biến đất hiếm trên thế giới hiện nay vẫn phụ thuộc vào thiết bị và công nghệ có nguồn gốc Trung Quốc.
Với trữ lượng, sản lượng đứng đầu thế giới, động thái hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhấn mạnh đất hiếm rất quan trọng và có nguy cơ sẽ trở thành điểm yếu của một quốc gia nếu phụ thuộc nặng nề vào một nguồn cung nào đó, ông Patrick Schröder, nhà nghiên cứu về thương mại toàn cầu và môi trường tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), cho biết: "Điều này không phải là mới, đã được nhắc đến trong hơn một thập kỷ, thậm chí được cảnh báo nhiều lần. Nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao không thể sản xuất hàng loạt nếu không có đất hiếm".
Riêng với Mỹ, báo Guardian dẫn báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) chỉ ra những hạn chế cấp phép xuất khẩu mới do Trung Quốc áp đặt đối với 7 loại đất hiếm có thể gây gián đoạn nguồn cung đối với hơn 10 công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ của Mỹ đang sản xuất từ máy bay chiến đấu đến tàu ngầm và máy bay không người lái.
Các nhà sản xuất vũ khí tiên tiến của Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khoáng chất đất hiếm cần thiết vốn thường nhập từ Trung Quốc.
Tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, các chuyên gia cũng nhận định nếu Trung Quốc thắt chặt hơn nữa xuất khẩu đất hiếm sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và làm suy yếu tham vọng tái công nghiệp hóa của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nỗ lực giảm phụ thuộc
Trong bối cảnh này, Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã tìm cách tận dụng nguồn lực, phát triển công nghệ nhằm giảm phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất nhưng việc này cần thời gian dài mới có thể có hiệu quả.
Đơn cử ở Mỹ, theo thông tin từ CSIS, nước này đã nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước với việc đầu tư vào công nghệ khai thác và tinh chế loại khoáng sản này.
Các cơ sở sản xuất đất hiếm của công ty MP Materials đã nhận được hàng chục triệu đô la tài trợ để đẩy mạnh khai thác cũng như phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, ngay cả khi các cơ sở này hoạt động hết công suất, MP Materials sẽ chỉ sản xuất được 1.000 tấn nam châm neodymium-boron-iron vào cuối năm 2025, con số rất nhỏ so với Trung Quốc. Trong năm 2024, MP Materials đã công bố sản lượng kỷ lục là 1.300 tấn oxit neodymium-praseodymium, trong khi tổng sản lượng của Trung Quốc lên tới khoảng 300.000 tấn.
Cơ sở sản xuất nam châm đất hiếm tại Fort Worth, Texas, Mỹ. (Ảnh: MP Materials)
Châu Âu cũng không nằm ngoài xu thế. Cụ thể, Liên minh châu Âu đã chính thức ban hành đạo luật nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) với các mục tiêu chính: ít nhất 10% nhu cầu hàng năm của EU về nguyên liệu chiến lược được khai thác trong nội khối, ít nhất 40% được chế biến trong EU, ít nhất 25% đến từ nguồn tái chế.
Đặc biệt, các quốc gia EU đặt mục tiêu không phụ thuộc vào quốc gia thứ ba đối với trên 65% nhu cầu hàng năm về nguyên liệu thô.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Ireland, Đạo luật CRMA được kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc của EU vào các nguồn cung bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và thúc đẩy phát triển công nghiệp trong khối.
Đây là một phần quan trọng trong chiến lược công nghiệp mới của EU nhằm đảm bảo an ninh nguyên liệu và hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược như xe điện, năng lượng tái tạo và quốc phòng.
Không chỉ phương Tây, Nhật Bản cũng tích cực đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường tích trữ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.
Theo thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, từ sau sự kiện bất đồng về tuyên bố lãnh thổ với Trung Quốc năm 2010, Nhật Bản đã triển khai một chiến lược toàn diện, bao gồm đầu tư vào các mỏ đất hiếm tại Úc và tăng cường tích trữ khoáng sản.
Qua đó, đất nước mặt trời mọc đã giảm tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc, từ khoảng 90% xuống còn khoảng 60%.
Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản như Sumitomo Corporation và Toyota Tsusho cũng đầu tư vào các mỏ đất hiếm tại Úc, Kazakhstan, Nam Phi, đồng thời tích cực nghiên cứu và phát triển công nghệ tái chế đất hiếm.
Hải Ninh
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/trung-quoc-siet-xuat-khau-dat-hiem-cac-nuoc-lon-ung-pho-the-nao-192250418152409784.htm