Trong một bước tiến đầy táo bạo cho ngành công nghệ, 21 robot hình người đã lần đầu tiên tham gia cùng hàng nghìn vận động viên tại giải bán marathon Yizhuang ở Bắc Kinh vào thứ Bảy vừa qua. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc lịch sử, khi những cỗ máy thông minh sánh vai cùng con người trên chặng đường dài 21 km.
Các robot tham dự đến từ nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm DroidVP và Noetix Robotics, với thiết kế đa dạng về hình dạng và kích thước. Có những robot chỉ cao khoảng 1,2 mét, trong khi một số khác cao tới 1,8 mét – gần bằng người trưởng thành. Một doanh nghiệp còn gây ấn tượng khi giới thiệu robot có diện mạo gần giống người thật, với gương mặt nữ tính, biết nháy mắt và mỉm cười như người thật.
Trước cuộc thi, nhiều công ty đã cho robot của mình tập luyện trong nhiều tuần để chuẩn bị. Chính quyền Bắc Kinh mô tả sự kiện này không khác gì một cuộc đua xe công nghệ cao, bởi mỗi robot đều cần một đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật và điều hướng trong suốt hành trình.
“Nhìn chúng chạy thật sự ấn tượng. Tôi cảm giác như mình đang chứng kiến một bước tiến lớn trong quá trình tiến hóa của robot và trí tuệ nhân tạo", khán giả He Sishu – một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực AI – chia sẻ đầy hào hứng.
Trong suốt cuộc đua, mỗi robot đều có một huấn luyện viên đi kèm. Một số máy cần được hỗ trợ thể chất để duy trì tốc độ hoặc vượt qua chướng ngại vật. Một vài robot thậm chí còn mang phong cách rất riêng: có robot đi giày thể thao chuyên dụng, một robot đeo găng tay đấm bốc, và một robot khác quấn băng đô đỏ nổi bật với dòng chữ tiếng Trung “Nhất định chiến thắng”.
Người giành chiến thắng trong nhóm robot là Tiangong Ultra – sản phẩm đến từ Trung tâm Đổi mới Robot người Bắc Kinh – với thời gian hoàn thành ấn tượng: 2 giờ 40 phút. Trong khi đó, vận động viên nam chiến thắng giải marathon đạt thành tích 1 giờ 2 phút.
Một con robot mất kiểm soát khi tham gia cuộc đua bán marathon với con người ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19 tháng 4 năm 2025. — Ảnh AFP
Trung tâm sở hữu Tiangong Ultra hiện do hai doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 43% cổ phần, phần còn lại thuộc về nhánh robot của tập đoàn Xiaomi và công ty robot hàng đầu UBTech. Ông Tang Jian, Giám đốc công nghệ của trung tâm, cho biết thành công của Tiangong Ultra đến từ thiết kế chân dài và thuật toán mô phỏng động tác chạy của con người. “Tôi không muốn tự mãn, nhưng tôi tin rằng chưa có công ty phương Tây nào đạt được thành tích thể thao như Tiangong,” ông khẳng định. Ông cũng tiết lộ robot chỉ cần thay pin ba lần trong suốt quãng đường 21 km.
Tuy vậy, không phải robot nào cũng “về đích” suôn sẻ. Một số gặp trục trặc ngay từ lúc xuất phát: có robot bị ngã ngay tại vạch xuất phát và phải mất vài phút mới đứng dậy tiếp tục cuộc đua. Một con khác thì lao thẳng vào lan can chỉ sau vài mét chạy, khiến người điều khiển cũng ngã theo.
Dù robot hình người đã từng góp mặt trong các sự kiện marathon ở Trung Quốc trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên chúng chính thức tham gia thi đấu cùng người thật trong cùng một cuộc đua. Sự kiện không chỉ thu hút sự chú ý của giới công nghệ mà còn là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc: thúc đẩy các ngành công nghiệp tiên tiến, trong đó robot là một trụ cột quan trọng để tạo động lực phát triển kinh tế mới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại tỏ ra thận trọng. Giáo sư Alan Fern, chuyên ngành khoa học máy tính và robot tại Đại học bang Oregon (Mỹ), cho rằng cuộc đua không hẳn là chỉ dấu cho thấy những đột phá thực sự. Theo ông, phần mềm điều khiển robot hình người chạy đã được phát triển và thử nghiệm từ hơn năm năm trước. “Các công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào khả năng di chuyển linh hoạt như đi bộ, chạy, nhảy. Dù những màn trình diễn này rất thú vị, nhưng chúng không chứng minh được nhiều về tính ứng dụng thực tế hay trí tuệ cơ bản của robot,” ông nói.
Bất chấp các ý kiến trái chiều, ông Tang từ Trung tâm Đổi mới Robot người cho biết hướng đi sắp tới vẫn là đưa robot hình người vào các lĩnh vực công nghiệp thực tiễn – từ nhà máy, doanh nghiệp đến cuộc sống hằng ngày trong các hộ gia đình.
Minh Quân