Cụ thể, Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đối ngoại, bao gồm công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ, người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, Bộ cũng chịu trách nhiệm tham mưu, định hướng chiến lược và tổ chức triển khai chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân cũng như hỗ trợ đối ngoại tại địa phương.
Theo cơ cấu mới, Bộ Ngoại giao gồm 12 vụ, 5 cục và một số đơn vị trực thuộc. Trong đó, các vụ chuyên trách về khu vực địa lý và lĩnh vực ngoại giao như Vụ Châu Âu, Vụ Châu Mỹ, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Vụ Trung Đông - châu Phi, Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ Ngoại giao kinh tế, Vụ ASEAN, Vụ Các tổ chức quốc tế, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Vụ Thông tin báo chí và Vụ Tổ chức cán bộ.
Năm cục gồm Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân Nhà nước và Phiên dịch đối ngoại, Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa, Cục Quản trị tài vụ. Ngoài ra, Bộ còn có Sở Ngoại vụ TP.HCM, Ủy ban Biên giới quốc gia, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Học viện Ngoại giao, Báo Thế giới và Việt Nam cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
So với trước đây, cơ cấu tổ chức mới giảm 3 đơn vị, gồm Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Vụ Chính sách đối ngoại và Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO. Đồng thời, Vụ Biên phiên dịch đối ngoại được gộp vào Cục Lễ tân Nhà nước.
Việc tinh gọn bộ máy này nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, tránh chồng chéo trong công tác điều hành. Theo quy định, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao, đồng thời ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ.
Bộ trưởng cũng có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trực thuộc, ngoại trừ Học viện Ngoại giao. Hiện tại, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đang kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trực tiếp chỉ đạo công tác đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới.
NH