Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định ngạch công chức

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định ngạch công chức
7 ngày trướcBài gốc
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất quy định quản lý công chức theo vị trí việc làm, bỏ quy định về ngạch công chức. (Ảnh: CHINHPHU.VN)
Theo Bộ Nội vụ, quá trình tổ chức thực hiện Luật Cán bộ, công chức đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước. Cụ thể:
Khái niệm vị trí việc làm trong Luật Cán bộ, công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sử dụng công chức, dẫn đến việc triển khai xác định, mô tả vị trí việc làm còn trùng lặp với tiêu chuẩn ngạch công chức, nên phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.
Bên cạnh đó, một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, bao gồm: chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp…
Hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 8 Chương, 54 Điều, thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ. Đồng thời, rà soát các quy định về thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tại dự thảo Luật để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (bỏ quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Dự thảo Luật sửa đổi khái niệm vị trí việc làm (là chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị), trong đó, bỏ nội dung “gắn với cơ cấu và ngạch công chức”, và “để xác định biên chế” để khắc phục sự trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và quản lý theo ngạch công chức; không làm cơ sở để các đơn vị tăng thêm biên chế; đồng thời, bổ sung các quy định về: phân loại, nội dung vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; hệ thống vị trí việc làm; bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm và các nội dung tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng công chức và các nội dung liên quan đến quản lý công chức theo vị trí việc làm.
Theo dự thảo Luật, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với tổ chức của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật bỏ quy định về ngạch công chức tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành gồm: ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; tổ chức thi nâng ngạch công chức và các nội dung liên quan đến ngạch công chức trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Theo Bộ Nội vụ, việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.
Tạo cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút, đãi ngộ người tài
Dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo đó, bổ sung nội dung về quyền của cán bộ, công chức được khuyến khích, khen thưởng khi có thành tích trong đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và được xem xét miễn trừ trách nhiệm khi có sai sót, thiệt hại trong thực hiện. Bổ sung nội dung về những việc cán bộ, công chức không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ và các đề xuất đổi mới, sáng tạo để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua.
Tại Điều 7, dự thảo Luật quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, bảo đảm nguyên tắc kết hợp nguồn lực khu vực công và khu vực tư theo hướng: Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và nguồn kinh phí theo thẩm quyền (bao gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác) để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn để phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Trên cơ sở đó, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quyết định việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng thuộc phạm vi quản lý.
THU HẰNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bo-noi-vu-de-xuat-bo-quy-dinh-ngach-cong-chuc-post870949.html