Thông tin được ông Đặng Đức Thuận, Phó Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, được ra tại cuộc họp báo cung cấp thông tin thường kỳ tháng 4 của Bộ Nội vụ.
Phó Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Đặng Đức Thuận.
Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2025 của Bộ Nội vụ liên quan đến công tác cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính, ông Đặng Đức Thuận cho biết, Bộ tập trung tiếp thu ý kiến bộ, ngành địa phương để hoàn thiện hồ sơ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
"Tập trung hoàn thiện hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh, ngạch và chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức ở phường, xã, đặc khu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính", Phó Chánh văn phòng Bộ Nội vụ nói.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan tại Kết luận số 83 của Bộ Chính trị (về cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024).
Từ đó, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27 của Trung ương (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp), Nghị quyết số 28 của Trung ương (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội bảo đảm đồng bộ, thống nhất các nội dung về tiền lương trong khu vực công và khu vực tư).
Theo ông Đặng Đức Thuận, cũng trong quý II này, Bộ Nội vụ tập trung triển khai đánh giá công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Trong đó sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ báo cáo tình hình kết quả thực hiện Kết luận số 121 của Trung ương, Nghị quyết số 176 của Quốc hội và theo chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến việc triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ xây dựng nhiều chính sách nhằm tổ chức, quản lý đối tượng cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, tại dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có quy định theo hướng cán bộ, công chức được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, không phải thực hiện chế độ tập sự. Đồng thời bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch và thực hiện xếp lương cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế Vũ Hải Nam.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, Luật mới hướng tới quản lý mọi vấn đề với cán bộ, công chức, viên chức đều dựa theo vị trí việc làm.
Tới đây việc quản lý, sử dụng hệ thống vị trí việc làm như một công cụ cơ bản để thay đổi toàn bộ cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, từ khâu tuyển dụng, đánh giá.
"Sau này thì mọi khâu đều theo vị trí việc làm hết, kể cả đầu ra cũng theo vị trí việc làm. Tiến tới tiền lương cũng theo vị trí việc làm. Tất nhiên nó sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi. Sau này khi luật có hiệu lực sẽ có nhiều cơ sở, yếu tố để tính toán việc này", ông Vũ Hải Nam nhấn mạnh.
Anh Văn