Cử tri tỉnh Quảng Bình cho rằng quy định tại Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 về độ tuổi gọi nhập ngũ đối với công dân đã được tạm hoãn do đào tạo cao đẳng, đại học "đến hết 27 tuổi" là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn và còn thiếu linh hoạt.
Cử tri nêu, thực tế có nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ở tuổi 22, sau đó học cao học đến khoảng 24 tuổi, học tiếp nghiên cứu sinh có thể đến 26 tuổi mới hoàn thành.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự vì chưa hết 27 tuổi. Trong khi đó, phần lớn sinh viên khi tham gia học tập, đào tạo tại các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học hoặc sau đại học đều có hoàn cảnh khó khăn; rất nhiều em, nhất là khu vực nông thôn phải vay mượn để đi học.
Hằng năm các địa phương đều triển khai công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo Luật nghĩa vụ quân sự
Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội để có quy định linh hoạt hơn về độ tuổi gọi nhập ngũ đối với người sau đại học nhằm tạo điều kiện cho các em về cơ hội việc làm để sớm có thu nhập, trang trải các khoản nợ vay đầu tư cho quá trình học tập.
Trả lời nội dung này, Bộ Quốc phòng dẫn Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: "Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi".
Việc tạm hoãn gọi nhập ngũ được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, cụ thể: "Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo".
Bên cạnh đó, điểm k khoản 1 Điều 50 của Luật quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ "được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật".
Bộ Quốc phòng cho rằng, để bảo đảm công bằng xã hội, công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi phù hợp với đời sống xã hội và nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Quy định này vừa đáp ứng nguyện vọng chính đáng về quyền được học tập, làm việc vừa tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển đất nước vừa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nguồn công dân nhập ngũ.
Vì vậy, việc mở rộng diện tạm hoãn với những công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và tiếp tục học cao học, nghiên cứu sinh là chưa phù hợp với tình hình hiện nay và gây mất công bằng xã hội.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu tổng thể, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vào thời điểm thích hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi để pháp luật nghĩa vụ quân sự được thực hiện hiệu quả, thiết thực và nghiêm minh.
Theo Bộ Quốc phòng, trước mắt sẽ chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề liên quan thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Quỳnh Trang/VOV.VN