Bỏ room tín dụng, tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh

Bỏ room tín dụng, tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh
5 giờ trướcBài gốc
Các ngân hàng muốn được tự do tăng trưởng tín dụng đương nhiên phải đáp ứng đủ những tiêu chí và điều kiện nhất định. (Nguồn ABB)
Việc xóa bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) một lần nữa được đặt ra với kỳ vọng tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong cả hệ thống ngân hàng.
Bản chất cơ chế room tín dụng hiện tại là phân chia thị phần tín dụng cho mỗi ngân hàng theo mức nhất định hằng năm. Các ngân hàng thường hướng đến cân đối cho vay trong hạn mức được cấp, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng gần như bị triệt tiêu. Nếu cơ chế này được dỡ bỏ, các ngân hàng sẽ được phép cạnh tranh tự do. Đương nhiên, khi đó việc xây dựng chất lượng tín dụng, năng lực phục vụ, khả năng tài chính sẽ là những điểm đột phá mà các tổ chức tín dụng đều hướng tới.
Xóa bỏ một công cụ đã bộc lộ nhiều hạn chế
Từ năm 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức hai chữ số, cơ chế room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì với vai trò là công cụ hiệu quả để cơ quan này kiểm soát chất lượng và quy mô dư nợ cho vay của các ngân hàng, cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.
Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp dù nền lịch sử tín dụng lành mạnh, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh khả thi vẫn không thể tiếp cận vốn tín dụng do… ngân hàng “cạn” room. Không ít doanh nghiệp đã phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, gia tăng chi phí vốn, chấp nhận các khoản phí phi chính thức để tìm kiếm dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều rắc rối, vướng mắc đối với khách hàng cá nhân cũng phát sinh từ chuyện vay vốn ngân hàng. Chị Nguyễn Phương Minh, trú tại một khu chung cư thuộc phường Phú Diễn (Hà Nội) vẫn chưa thể quên việc bị phạt hợp đồng mua căn hộ mà chị đang ở do chậm một đợt thanh toán, bởi lý do không khác gì trên trời rơi xuống: Ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng nên không thể giải ngân đúng hạn theo hợp đồng vay tiền để mua nhà của chị (!).
Thực tế, không thể phủ nhận vai trò lịch sử của công cụ room tín dụng, tuy nhiên sau thời gian dài có những đóng góp quan trọng vào hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cơ chế phân bổ này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt là khi nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng nền kinh tế ngày càng tăng và phần lớn các ngân hàng đã hoàn tất việc tuân thủ các tiêu chuẩn theo khung rủi ro tín dụng (Basel) II và Basel III theo chuẩn mực quốc tế.
Từ một biện pháp hành chính phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, room tín dụng đang trở thành điểm nghẽn của tăng trưởng, phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh cả ngành ngân hàng đã vận hành theo hướng linh hoạt hơn. Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 7/2025.
Cần sự thử nghiệm thận trọng
Năm 2025, trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ước khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp diễn biến, tình hình thực tế.
Tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so cuối năm 2024. Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang, dù tín dụng tăng mạnh, đúng trọng tâm vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh, nhưng không thể chủ quan với nguy cơ lạm phát.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, thông báo công khai, minh bạch nguyên tắc xác định để các ngân hàng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Theo giới phân tích, ở vai trò quản lý nhà nước, đương nhiên cơ quan này phải lường trước việc bỏ hẳn cơ chế hạn mức tín dụng hằng năm có thể khiến hệ thống quay lại cuộc đua tăng lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu cao như trước năm 2011.
Tuy nhiên, hiện đã có thêm nhiều công cụ thị trường đủ mạnh để thay thế. Chẳng hạn, quy định về hệ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio-CAR) và Basel II, những chiếc barie rõ ràng, minh bạch và có hiệu lực pháp lý. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ là nghiệp vụ thị trường mở (OMO) qua phát hành tín phiếu hoặc giấy tờ có giá để “hút ròng” hoặc “bơm ròng” tiền vào hệ thống một cách linh hoạt mà không cần dùng mệnh lệnh hành chính.
Ở góc độ ngân hàng, theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, thành viên Ban điều hành HDBank, việc bỏ room tín dụng ít nhất sẽ có tác động tâm lý tích cực, tạo cảm giác lạc quan. Ông cũng cho rằng, trong những tháng cuối năm, dự báo tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh khi bước vào mùa cao điểm và mặt bằng lãi suất ổn định ở mức phù hợp. Do đó, việc bỏ room tín dụng trong quý III/2025 là phù hợp.
Ủng hộ việc bỏ room tín dụng, song TS Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế-tài chính, lưu ý, trong giai đoạn đầu, Ngân hàng Nhà nước có thể thử nghiệm cho nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt được tự do tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng còn lại vẫn phải tuân thủ cơ chế phân bổ tín dụng theo hạn mức. Điều này sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng và thúc đẩy các ngân hàng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. “Tự do tăng trưởng tín dụng là điều tích cực, nhưng các ngân hàng muốn được tự do đương nhiên phải đáp ứng đủ những tiêu chí và điều kiện nhất định”, TS Nguyễn Tú Anh khẳng định.
Và vấn đề bỏ room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước và cấp có thẩm quyền tính đến thông qua việc đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ cơ chế phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Trước mắt, room tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm cho các ngân hàng trên cơ sở thực tế, thay vì cần có văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng”.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại đầu năm 2025.
Thùy Liên
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bo-room-tin-dung-tao-suc-ep-canh-tranh-lanh-manh-post894583.html