Các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Tòa án gỡ vướng xử lý nợ xấu

Các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Tòa án gỡ vướng xử lý nợ xấu
3 giờ trướcBài gốc
Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân" - Ảnh: VGP/HT
Những khó khăn điển hình trong thực tiễn và đề xuất tháo gỡ
Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân", dưới góc độ NHTM, bà Phan Thị Hồng Vân – Phó Giám đốc Khối Pháp chế và Tuân thủ VietinBank đánh giá cao sự phối hợp của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án trong quá trình thu hồi nợ. Sự hỗ trợ này giúp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, các văn bản pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn là nền tảng để ngân hàng điều chỉnh quy trình, giảm thiểu rủi ro.
Thẳng thắn trao đổi tại Hội thảo đại diện các ngân hàng như BIDV, MB phản ánh nhiều vướng mắc, đặc biệt trong thẩm định, xác minh tài sản bảo đảm. Theo quy định, tòa án thực hiện thẩm định trong xét xử, nhưng cơ quan thi hành án tiếp tục đo vẽ, xác minh ở giai đoạn sau, gây kéo dài thời gian, phát sinh chi phí. Thậm chí, một số vụ bị hủy và xét xử lại, dẫn đến thẩm định nhiều lần.
"Chi phí thẩm định dao động từ 5 đến 15 triệu đồng mỗi tài sản, tùy theo tòa án. Điều này gây áp lực tài chính, nhất là với dự án quy mô lớn như tòa nhà chung cư. Xác minh động sản như ô tô, máy móc cũng gặp khó vì chủ tài sản không hợp tác, khiến ngân hàng bị yêu cầu loại các tài sản này khỏi hồ sơ khởi kiện", đại diện BIDV cho biết.
"Thời gian tố tụng nhiều vụ kéo dài 3-4 năm mới xong sơ thẩm, gây phát sinh lãi chậm trả lớn. Một số trường hợp, ngân hàng phải chịu thiệt hại do yếu tố khách quan như dịch bệnh. Điều này làm tăng rủi ro tín dụng và chi phí vận hành", đại diện MB phản ánh.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Phạm Toàn Vượng – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Hiệp hội thường xuyên lắng nghe, tập hợp và phản ánh các khó khăn của tổ chức hội viên trong xử lý tranh chấp. Nhiều trường hợp, dù không phổ biến, nhưng đều được rà soát, rút kinh nghiệm chung để tránh tái diễn.
Dưới góc độ Agribank, ông Phạm Toàn Vượng cho hay: Ngân hàng này có gần 40 năm hoạt động trên cả nước – đang xử lý nhiều vụ án tranh chấp dân sự, với một nửa ở giai đoạn tố tụng và một nửa ở giai đoạn thi hành án.
"Nếu các thủ tục và quan điểm pháp lý được tháo gỡ, quá trình xử lý sẽ nhanh hơn, giảm áp lực cho cả ngân hàng và cơ quan xét xử. Từ thực tiễn, Agribank cũng rút ra bài học trong triển khai cho vay, siết chặt khâu thẩm định, tránh nguy cơ phát sinh tranh chấp. Hiệp hội Ngân hàng lưu ý rằng các TCTD cần chủ động hơn trong quản lý khoản vay, kiểm soát hồ sơ và đặc biệt là xử lý vấn đề thế chấp. Cần hạn chế sai sót từ phía ngân hàng tạo kẽ hở để người vay lợi dụng, trì hoãn nghĩa vụ trả nợ, làm tăng gánh nặng cho hệ thống tòa án. Một điểm tích cực là Luật Các TCTD sửa đổi đã bổ sung cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm. Agribank thống kê có khoảng 150.000 tài sản thế chấp có thể xử lý nhờ quy định này. Khi các văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành và áp dụng đồng bộ, tiến trình xử lý nợ xấu dự kiến sẽ minh bạch và rút ngắn đáng kể", ông Phạm Toàn Vượng chia sẻ.
Nguyên tắc pháp luật và cách tiếp cận đồng bộ
Đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự 2015 bảo đảm cân bằng quyền và nghĩa vụ, tránh lạm dụng. Điều 9 và 10 quy định hạn chế quyền dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng và quyền của bên liên quan. Ví dụ, nếu người vay thay đổi nơi cư trú mà không thông báo, tòa án có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Pháp luật cũng bảo vệ người thứ ba ngay tình, thông qua quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Người đứng tên trên giấy tờ pháp lý được coi là chủ thể có quyền định đoạt, và người giao dịch ngay tình được bảo vệ quyền lợi.
Bộ Tư pháp phân biệt rõ "Hợp đồng bảo đảm" và "Biện pháp bảo đảm". Hợp đồng bảo đảm là thỏa thuận, còn biện pháp bảo đảm (như thế chấp, cầm cố) là công cụ thực thi. Hợp đồng vẫn có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực, dù chưa đăng ký biện pháp bảo đảm. Việc chưa đăng ký chỉ ảnh hưởng quyền ưu tiên thanh toán, không làm hợp đồng vô hiệu. Một số quyết định tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp vì lý do này bị coi là chưa chính xác.
Ở chiều ngược lại, Thẩm phán Bùi Hồng Hạnh (Tòa Kinh tế, TAND TP.HCM) cho rằng ngân hàng cần chủ động chuẩn bị tài liệu, chứng cứ ngay từ thẩm định hồ sơ vay, minh bạch về lãi suất và quá trình thông báo cho khách hàng. Làm tốt các khâu này sẽ rút ngắn xử lý tranh chấp, giảm áp lực cho Tòa án.
Lãnh đạo NHNN lưu ý: Việc tính lãi trên khoản lãi trong hạn chưa trả là cần thiết. Lãi là phí sử dụng vốn; ngân hàng huy động từ cá nhân, tổ chức và vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Nếu khách hàng chậm trả, phải trả lãi chậm theo Điều 357 và 468 Bộ luật Dân sự, mức không vượt 20%/năm.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cũng lưu ý, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định thứ tự thu nợ: khi nợ quá hạn, phải thu gốc trước, sau đó lãi; trong lãi, thu lãi quá hạn trước, rồi lãi trong hạn. Các quy định này nhằm bảo đảm minh bạch và hạn chế phát sinh lãi chồng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT
Hoàn thiện cơ chế phối hợp và pháp luật
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định: Việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tín dụng hiệu quả mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đặc biệt với ngân hàng. Nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu đến từ huy động tiền gửi, nên ngân hàng phải đảm bảo hoàn trả cho người gửi tiền. Do đó, nếu tranh chấp được xử lý nhanh gọn, nguồn vốn sẽ được thu hồi kịp thời, giúp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và duy trì dòng vốn cho vay tiếp tục luân chuyển trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ chế xử lý hiệu quả còn tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi ngân hàng không phải mất nhiều nguồn lực xử lý tranh chấp, chi phí hoạt động giảm, lãi suất có thể điều chỉnh linh hoạt hơn. Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, lãnh đạo NHNN khuyến nghị: Các TCTD cần tiếp thu khuyến nghị của tòa án, nhất là từ các thẩm phán trực tiếp xét xử, để điều chỉnh quy trình nội bộ, hạn chế phát sinh tranh chấp. Hiệp hội Ngân hàng sẽ phối hợp cùng Tòa án Nhân dân Tối cao rà soát, đề xuất các kiến nghị và hỗ trợ hoàn thiện quy định pháp luật.
Ngoài ra, cần tiếp cận tổng thể hơn về các quy định liên quan đến tài sản – lĩnh vực phát sinh nhiều tranh chấp nhất. Nếu hệ thống pháp luật về đăng ký và xử lý tài sản được hoàn thiện, số lượng tranh chấp sẽ giảm, đồng thời các thẩm phán cũng có đầy đủ cơ sở để xử lý nhanh chóng, minh bạch.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến khẳng định năm yếu tố mấu chốt trong giải quyết tranh chấp tín dụng gồm: khoản vay bảo đảm, giao dịch bảo đảm và phạm vi bảo đảm, lãi suất, người thứ ba, xử lý chứng cứ. Ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, Hiệp hội và tòa án để chuẩn hóa nhận thức pháp luật, tránh mỗi bên hiểu khác nhau.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT
Ông Nguyễn Văn Tiến đề xuất phân loại các vướng mắc tại hội thảo thành ba nhóm: giải đáp nghiệp vụ ngay; ban hành nghị quyết hướng dẫn; kiến nghị sửa đổi luật. Ông Tiến cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng phối hợp thường xuyên với Tòa án Tối cao.
Bên cạnh đó, Tòa án Tối cao đang chuẩn bị hai dự án luật quan trọng trình Quốc hội: Luật Phá sản sửa đổi và Luật về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế. Các luật này sẽ tác động lớn đến hoạt động ngân hàng, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm và tranh chấp phát sinh tại trung tâm tài chính đặt ở TP.HCM và Đà Nẵng.
"Sự phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng, cơ quan quản lý và hệ thống tòa án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng xét xử và tạo môi trường tín dụng minh bạch, hiệu quả hơn cho nền kinh tế", đại diện", lãnh đạo TAND Tối cao nhấn mạnh.
Anh Minh
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/cac-ngan-hang-phoi-hop-chat-che-voi-toa-an-go-vuong-xu-ly-no-xau-10225071819060085.htm