Bổ sung đối tượng hưởng chế độ, chính sách tham gia xây dựng pháp luật

Bổ sung đối tượng hưởng chế độ, chính sách tham gia xây dựng pháp luật
5 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 16/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh tham gia ý kiến liên quan đến việc bổ sung đối tượng được hưởng chế độ, chính sách của Nghị quyết.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh tham gia ý kiến.
Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu bày tỏ đồng tình về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Đại biểu cho rằng, đây là một trong những nghị quyết kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ, chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vào Phụ lục I của dự thảo nghị quyết.
Trước hết, tại mục 6, Phụ lục I quy định các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách tham gia công tác xây dựng pháp luật gồm có: “Ban Pháp chế thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách)....”, theo đại biểu, quy định này chỉ có đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Ban Pháp chế thuộc HĐND cấp tỉnh mới được hưởng chế độ, chính sách xây dựng pháp luật, trong khi đó, đại biểu hoạt động chuyên trách ở các ban khác của HĐND cấp tỉnh như Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Dân tộc (ở một số tỉnh miền núi), Ban Đô thị (ở một số thành phố lớn) tham gia nhiều hoạt động liên quan đến xây dựng pháp luật như: xây dựng nghị quyết, giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn thì không được hưởng chế độ chính sách này. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nhóm đối tượng này, đảm bảo công bằng trong chính sách.
Quang cảnh phiên thảo luận.
Cùng đó, đại biểu đề nghị cần thiết bổ sung thêm đối tượng là cán bộ, công chức thuộc văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trực tiếp tham mưu công tác xây dựng pháp luật và giám sát thi hành pháp luật thuộc đối tượng hưởng chế độ, chính sách của nghị quyết.
Đại biểu phân tích, theo Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là đội ngũ trực tiếp và thường xuyên làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật và giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ quy trình xây dựng chính sách, đến khâu soạn thảo luật, pháp lệnh nghị quyết đến quy trình xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội đều có sự tham gia của cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh tại văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tại các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (hiện có 17 thành viên) vào đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt được hỗ trợ hàng tháng. Đại biểu nêu rõ lý do, theo quy định của Hiến Pháp năm 2013 thì Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 48 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 thì ngoài các nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của các tòa án, ban hành nghị quyết hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn được giao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong xây dựng và thi hành pháp luật như: tham gia ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Tòa án nhân dân tối cao xây dựng; thảo luận, góp ý kiến đối với dự thảo thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo quy định của luật; lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn là xét xử thì thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng trực tiếp và thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Vì vậy, việc đề xuất bổ sung đối tượng là Thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vào đối tượng được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt là hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành và đúng tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, không chỉ tăng thu nhập mà còn là chính sách thu hút, trọng dụng người tài, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật.
Tiến Nam - Thúy An
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/bo-sung-doi-tuong-huong-che-do-chinh-sach-tham-gia-xay-dung-phap-luat-post287938.html