Bổ sung quy định cấm hành vi 'thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai'

Bổ sung quy định cấm hành vi 'thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai'
4 giờ trướcBài gốc
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu
Chiều 22/10/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 8 chương và 65 điều.
Về một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai" vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Qua rà soát quy định liên quan và về mặt pháp lý chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là con người. Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật quy định khái niệm về mua bán người, trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định mua bán bào thai trong "khái niệm mua bán người" là không phù hợp.
Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai) nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.
Để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống mua bán người từ sớm, từ xa, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi nghiêm cấm "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".
Đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, thảo luận tại hội trường
Liên quan nội dung này, đại biểu Thái Thị An Chung, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, cho biết: Về quy định cấm hành vi "mua bán bào thai", đó là thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người mới xuất hiện gần đây. Tuy nhiên, trong thời gian qua gặp khó khăn trong quá trình xử lý. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa bị dụ dỗ ra nước ngoài mang thai, sinh con và bán để lấy tiền hoặc đổi bằng hiện vật khác. Hành vi thỏa thuận này bản chất là tiền đề của hành vi mua bán người. Tuy nhiên việc xử lý còn khó khăn vì trong Bộ luật Hình sự chưa có quy định.
Để tạo hành lang pháp lý, bảo vệ trẻ em thì việc bổ sung tại khoản 2, Điều 3 nghiêm cấm hành vi "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai" trong Dự thảo luật là rất cần thiết, nâng cao khả năng đấu tranh với loại tội phạm này, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em và phù hợp với các công ước quốc tế nước ta đã tham gia.
Mặc dù vậy, trên thực tiễn, việc mua bán bào thai có thể nhằm mục đích mua bán trẻ em sau khi sinh ra nhưng cũng có mục đích khác. Dự thảo luật quy định như trên đã xử lý được hành vi mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán trẻ em nhưng lại chưa xử lý được hành vi mua bán bào thai cho mục đích khác như lấy bộ phận cơ thể.
Theo đó, đại biểu đề nghị quy định nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai người tại khoản 2, điều 3 dự thảo Luật; đồng thời đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ "thế nào là bào thai người" để triển khai trong thực tiễn được thống nhất, thuận lợi.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát khái niệm để bảo đảm bao quát, tránh bỏ lọt hành vi mua bán người. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Khái niệm mua bán người đã kết hợp đủ 3 yếu tố (hành vi, mục đích, thủ đoạn). Cụ thể:
Thứ nhất, Hành vi gồm: tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người;
Thứ 2, Mục đích gồm: nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác;
Thứ 3, Thủ đoạn gồm: sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/bo-sung-quy-dinh-cam-hanh-vi-thoa-thuan-mua-ban-nguoi-tu-khi-con-dang-la-bao-thai-2024102215254011.htm