Nghiên cứu bổ sung quy định về các hình thức giám sát
Một trong những hạn chế đó là quy định về phạm vi lập pháp còn chưa cụ thể, có thể dẫn đến khó khăn trong thực thi (Điều 5). Theo dự thảo Luật, tại khoản 2, Điều 5 quy định, Luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, lâu dài, còn các nội dung chi tiết về thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn, kỹ thuật sẽ do Chính phủ và các cơ quan liên quan quy định. Tuy nhiên, điều này có thể khiến nhiều vấn đề quan trọng không được quy định cụ thể trong luật, dẫn đến việc Chính phủ hoặc bộ, ngành có thể tùy ý điều chỉnh theo từng giai đoạn mà không có sự giám sát chặt chẽ từ Quốc hội.
Chỉ rõ những nguy cơ nêu trên, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị cần bổ sung tiêu chí rõ ràng hơn về những nội dung bắt buộc phải quy định trong luật và những nội dung có thể giao cho Chính phủ, bộ, ngành quy định; đồng thời quy định trách nhiệm báo cáo định kỳ của Chính phủ đối với Quốc hội về các nội dung được giao cụ thể hóa để tránh lạm dụng quyền hạn.
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Liên quan đến quy định về tổ chức bộ máy của Quốc hội (Điều 66, Điều 67), cho rằng “chưa thực sự tinh gọn”, đại biểu Trần Văn Khải phân tích: Mặc dù dự thảo Luật nhấn mạnh việc sắp xếp lại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhưng chưa có giải pháp cụ thể để giảm số lượng cơ quan trực thuộc và tối ưu hóa bộ máy. Tại Khoản 4, Điều 67 quy định về việc thành lập đơn vị chuyên môn giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội có thể dẫn đến việc hình thành thêm bộ máy trung gian, tăng chi phí vận hành.
Do đó, cần đánh giá thực tiễn về số lượng cơ quan của Quốc hội để có thể xác định cơ quan nào có thể sáp nhập hoặc tinh giản, hạn chế thành lập thêm các đơn vị chuyên môn giúp việc mà thay vào đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm sự cồng kềnh của bộ máy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị.
Quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi bị xử lý kỷ luật (Điều 39, Điều 54) chưa chặt chẽ. Nêu vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, Điều 39 quy định đại biểu Quốc hội có thể bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ nếu bị khởi tố hoặc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa có cơ chế xử lý rõ ràng nếu đại biểu bị điều tra kéo dài nhưng chưa có kết luận chính thức. Cùng với đó, tại Điều 54 quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam giữ đại biểu Quốc hội nhưng không nêu rõ quy trình bảo vệ quyền lợi của đại biểu trong trường hợp bị điều tra oan sai như thế nào.
Vì thế, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ về thời hạn tạm đình chỉ để tránh việc kéo dài không có căn cứ; đồng thời, bổ sung cơ chế bảo vệ quyền lợi của đại biểu Quốc hội trong trường hợp bị đình chỉ oan sai, bao gồm việc phục hồi vị trí, danh dự, và các quyền lợi đi kèm, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị.
Liên quan đến cơ chế giám sát hoạt động của Quốc hội (Điều 68a, Điều 101), theo đại biểu Trần Văn Khải, quy định như dự thảo Luật “còn thiếu chặt chẽ”. Lý lẽ là bởi, Điều 68a quy định về chức năng giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, nhưng chưa đề cập cụ thể về công cụ giám sát thực tế. Cùng với đó, Điều 101 quy định về kinh phí hoạt động của Quốc hội nhưng chưa có cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm sử dụng ngân sách hiệu quả.
Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về các hình thức giám sát, như: kiểm tra đột xuất, đánh giá hàng năm, yêu cầu giải trình trước Quốc hội hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước; đồng thời thành lập một Ủy ban độc lập chuyên giám sát việc sử dụng ngân sách của Quốc hội để bảo đảm tính minh bạch.
Phân quyền mạnh hơn cho địa phương
Với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải tập trung phân tích tác động của việc sửa đổi luật đối với mục tiêu tháo gỡ điểm nghẽn thể chế.
Việt Nam đang trong quá trình cải cách thể chế để tạo môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những điểm nghẽn thể chế phổ biến hiện nay, theo đại biểu Trần Văn Khải, gồm chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, gây khó khăn trong thực thi; quy trình lập pháp cồng kềnh, kéo dài, làm chậm khả năng ứng phó với thực tiễn; thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn; quyền hạn giữa các cấp chưa rõ ràng, gây tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; thiếu cơ chế phản biện và giám sát độc lập, khiến chất lượng luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy dự luật đã có một số cải cách tích cực giúp khắc phục hạn chế trong thể chế hiện nay cũng như tháo gỡ điểm nghẽn. Đó là quy định về rà soát, kiểm tra và đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành luật (Điều 29), sẽ giúp tránh ban hành luật có nội dung không phù hợp, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật, giảm xung đột, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Với nội dung tăng cường cơ chế phản biện xã hội và tham vấn (Điều 6 và Điều 30), dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi lấy ý kiến từ nhiều đối tượng, giúp chính sách phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn, khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, giảm rủi ro lợi ích nhóm.
Dự thảo Luật cũng phân quyền mạnh hơn cho địa phương (Điều 5 và Điều 21), giúp chính quyền địa phương có thể điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương mà không cần chờ Trung ương, giải quyết tình trạng chờ chỉ đạo, thiếu linh hoạt trong quản lý.
Đồng thời, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về thực hiện quy trình lập pháp rút gọn đối với các vấn đề cấp bách (Điều 10 và Điều 26). Với quy định này sẽ giúp nhanh chóng ban hành chính sách phù hợp với tình hình thực tế mà không phải chờ đợi quy trình lập pháp thông thường, xóa bỏ điểm nghẽn về tốc độ ban hành chính sách.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ trong công khai văn bản pháp luật (Điều 9) sẽ tạo cơ sở dữ liệu pháp luật mở, giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận, tra cứu, giảm tình trạng thiếu minh bạch thông tin pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sửa đổi tích cực, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, còn tồn tại một số hạn chế, điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hoặc chưa được giải quyết triệt để.
Thứ nhất là quy trình lập pháp vẫn còn cồng kềnh (Điều 37 và Điều 40), mặc dù có rút gọn quy trình ở một số khâu, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính kéo dài, nếu được thông qua có khả năng sẽ tiếp tục gây chậm trễ trong việc ban hành chính sách quan trọng.
Thứ hai là giảm trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra (Điều 30, 33, 36, 40). Theo đó, dự thảo Luật không còn bắt buộc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, giải trình không còn toàn diện. Điều này có nguy cơ giảm chất lượng lập pháp, làm chính sách dễ bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
Thứ ba là thiếu cơ chế xử lý văn bản trái luật, văn bản kém chất lượng (Điều 8). Trong dự thảo Luật chưa có quy định xử lý trách nhiệm cá nhân đối với việc ban hành văn bản trái luật, sẽ gây khó khăn trong thực thi và tạo nguy cơ tiếp tục ban hành văn bản thiếu thống nhất.
Thứ tư là chưa tận dụng đầy đủ công nghệ pháp lý (LegalTech) trong soạn thảo luật. Dự thảo Luật chưa có quy định về ứng dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra sự chồng chéo của luật pháp nếu có; việc rà soát tính thống nhất của luật vẫn phụ thuộc nhiều vào đánh giá chủ quan.
Để việc sửa đổi thực sự giúp tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn thể chế, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, cần bổ sung một số quy định quan trọng. Đơn cử, với quy trình lập pháp còn cồng kềnh, dự thảo Luật cần cho phép kết hợp thẩm tra và thẩm định để giảm bớt một bước trung gian. Đồng thời, cần có cơ chế thử nghiệm pháp lý cho các chính sách mới thay vì đợi quy trình lập pháp hoàn chỉnh.
Liên quan đến việc giảm trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Luật nên có quy định bắt buộc công khai báo cáo tiếp thu, giải trình trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội; đồng thời yêu cầu báo cáo định kỳ về việc thực hiện các ý kiến góp ý.
Với hạn chế thiếu chế tài xử lý văn bản trái luật, cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với người ký ban hành văn bản trái luật, có thể áp dụng hình thức xử lý hành chính hoặc bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, cần bổ sung quy định về tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống kiểm tra tính thống nhất của luật, giúp phát hiện các quy định mâu thuẫn một cách tự động trước khi ban hành.
Nhìn một cách tổng quát, theo đại biểu Trần Văn Khải, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này có nhiều bước tiến quan trọng trong việc giảm chồng chéo pháp luật, rút ngắn quy trình lập pháp, tăng cường phân quyền và minh bạch hóa chính sách. Cơ chế lấy ý kiến và phản biện được nâng cao, góp phần giảm rủi ro lợi ích nhóm trong quá trình lập pháp. Việc ứng dụng công nghệ vào công khai pháp luật giúp tăng tính minh bạch.
Song, nội dung sửa đổi vẫn chưa thực sự đơn giản hóa quy trình lập pháp ở mức tối ưu; việc giảm trách nhiệm giải trình của cơ quan lập pháp có thể làm giảm khả năng phản biện sâu sắc; việc thiếu cơ chế xử lý văn bản kém chất lượng, có thể tiếp tục tạo ra bất cập trong thực thi pháp luật.
Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, bổ sung quy trình rút gọn linh hoạt hơn để bảo đảm phản ứng nhanh với tình hình thực tế; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan lập pháp, đặc biệt trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện; ứng dụng công nghệ pháp lý mạnh mẽ hơn, giúp phát hiện nhanh các xung đột pháp luật và nâng cao tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
"Việc sửa đổi luật lần này giúp tháo gỡ một số điểm nghẽn thể chế nhưng chưa hoàn toàn triệt để. Cần tiếp tục cải tiến, đặc biệt là trong trách nhiệm giải trình, xử lý văn bản kém chất lượng và ứng dụng công nghệ để hoàn thiện hơn, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị.
Nguyễn Vũ