Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, chiều nay, 16/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 (Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên). Ảnh: Hồ Long
Xem xét điều chỉnh thời hạn thẩm định
Các ĐBQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành, bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); đáp ứng yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, tạo thuận lợi hơn nữa trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) đề nghị bổ sung một khoản riêng (khoản 8) vào Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 để quy định nguyên tắc quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó cơ quan soạn thảo cần bổ sung thẩm quyền của HĐND, UBND cấp tỉnh và HĐND, UBND cấp xã được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.
Trường hợp không bổ sung nguyên tắc quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 5 như nêu trên, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản vào Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 để quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao HĐND, UBND các cấp quy định chi tiết mà làm phát sinh các quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND các cấp.
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật hoặc có hướng dẫn cụ thể hoặc giao Chính phủ có hướng dẫn cụ thể đối với nội dung quy định cơ quan chủ trì tham mưu trong xem xét kiểm tra việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Tại điểm c khoản 5 Điều 51 Luật hiện hành quy định trong thời hạn “7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định, cơ quan thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự án. Đối với dự án có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì thời gian thẩm định không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ”.
Theo khoản 2 Điều 64 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP của Chính phủ thì thời hạn 7 ngày là bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết. Tuy nhiên, đối với những trường hợp thời hạn thẩm định trùng với ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết thì thường kéo dài từ 4-9 ngày, phụ thuộc vào thời gian ngày nghỉ. Như vậy sẽ gây khó khăn và áp lực cho các cơ quan thẩm định, thẩm tra đối với một số dự thảo có nội dung phức tạp hoặc ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định. Tương tự, đối với quy định về thời hạn thẩm định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 1 Điều 50 của Nghị định 78 quy định thời hạn là 15 ngày.
Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định thời hạn thẩm định, thẩm tra văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn là 5 ngày làm việc; 10 ngày làm việc đối với thẩm định dự thảo nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh theo trình tự thủ tục rút gọn.
Nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng biên bản điện tử
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Lê Đào An Xuân nêu rõ, tại khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 70 Luật hiện hành theo hướng bổ sung việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua phương thức điện tử, tuy nhiên, chưa làm rõ việc đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin để nhận quyết định xử phạt bằng phương thức điện tử của cá nhân, tổ chức vi phạm là như thế nào.
Trong khi đó, nội dung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 68 của Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định rõ là tại quyết định phải thể hiện các thông tin như địa chỉ thư điện tử của cá nhân, tổ chức vi phạm, trong khi đây là yếu tố quan trọng để thực thi quy định về nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua phương thức điện tử.
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Vì vậy, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề này, thông tin về địa chỉ nhận quyết định xử phạt bản điện tử được cung cấp và thể hiện trong văn bản nào?
Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng biên bản điện tử trong một số lĩnh vực để đơn giản thủ tục thực hiện cho người dân, tránh phải đi lại nhiều lần và rà soát để có thể đơn giản hóa một số loại biên bản mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải lập. Đơn cử, trong lĩnh vực giao thông, đại biểu đề nghị cân nhắc đối với việc phải ra quyết định tạm giữ, quyết định trả các giấy tờ (Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Mặt khác, đối với trường hợp gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện thì tại Luật hiện hành và dự thảo Luật đều đang quy định hướng xử lý đối với trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận quyết định, việc xác nhận quyết định đã được giao...
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định nội dung tương tự đối với trường hợp gửi quyết định xử phạt bằng phương thức điện tử, vì vậy, đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung này để bảo đảm đầy đủ, thống nhất.
Minh Trang