'Chạy đua' xóa nhà tạm, các tỉnh miền Trung quyết về đích trước mùa mưa bão

'Chạy đua' xóa nhà tạm, các tỉnh miền Trung quyết về đích trước mùa mưa bão
6 giờ trướcBài gốc
Gần 22.000 căn nhà tạm đã được “xóa”
Theo thống kê, năm nay, 5 tỉnh thành miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên có tổng cộng 26.802 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được xây mới hoặc sửa chữa. Đến nay, gần 22.000 căn đã được xử lý, phần còn lại đang được khẩn trương triển khai với tiến độ khả quan.
Tại Đà Nẵng, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện bài bản ngay từ đầu. Đến nay, thành phố đã khởi công 1.832/2.002 căn cần xử lý (đạt 92%).
Lãnh đạo thành phố chỉ đạo khởi công toàn bộ các nhà còn lại trong tháng 5 và phấn đấu hoàn thành 100% vào cuối tháng 6, sớm hơn kế hoạch toàn quốc.
Quảng Nam là địa phương có số lượng nhà cần can thiệp lớn nhất khu vực. Toàn tỉnh có 11.523 căn thuộc diện cần hỗ trợ trong giai đoạn 2023-2025, gồm cả nhà của hộ nghèo và người có công.
Quảng Nam đặt quyết tâm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 1/9. Ảnh: N.X
Tính đến ngày 10/5, có 8.692 căn được hoàn thành (đạt 75,43%), số còn lại đang triển khai. Tỉnh đặt mục tiêu hoàn tất toàn bộ trước ngày 1/9, trong đó riêng 313 căn dành cho gia đình có công sẽ hoàn thành trước 27/7.
Không kém phần quyết liệt, Quảng Ngãi cũng dốc toàn lực để về đích đúng hạn. Trong số 6.628 hộ cần hỗ trợ nhà ở, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 5.222 căn, đạt 78,79% kế hoạch.
Đặc biệt, 2 huyện miền núi Ba Tơ và Sơn Tây đã hoàn thành 100%. Các địa phương còn lại được yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/6, riêng Trà Bồng có thể kéo dài đến ngày 31/8.
Những ngôi nhà mới trên vùng cao Quảng Ngãi. Ảnh: N.X
Bình Định thì ghi dấu ấn với tốc độ triển khai xóa nhà tạm ấn tượng: chỉ sau hơn 3 tháng phát động chương trình, 10/11 địa phương trong tỉnh đã hoàn thành với 4.217 căn được xử lý (đạt 95,3%).
Ngày 16/5, tỉnh công bố hoàn thành toàn bộ chương trình, sớm hơn gần 5 tháng so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra.
Ở khu vực cực nam miền Trung, Phú Yên cũng đang “chạy nước rút”. Năm nay, tỉnh có 2.224 căn nhà cần được xây mới hoặc sửa chữa. Đến ngày 12/5 vừa qua, tỉnh đã khởi công 1.854 căn (đạt 83,36%) và phấn đấu hoàn tất trước ngày 2/9.
Người dân phấn khởi vì được sống trong những căn nhà mới khang trang. Ảnh: Hà Nam
Tăng tốc “về đích” trước mùa mưa bão
Không chỉ “chạy đua với thời gian”, các địa phương miền Trung còn đang “chạy đua với mùa mưa bão”.
Để kịp tiến độ, các tỉnh thành huy động đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai linh hoạt nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện từng nơi.
Tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo 3 cấp được thành lập để điều phối thống nhất từ thành phố đến xã/phường. Thành phố cũng huy động mạnh mẽ sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm.
Đặc biệt, Sở Xây dựng công bố các mẫu thiết kế nhà cấp 4 kiên cố, chi phí thấp, đạt chuẩn “3 cứng” (nền, tường, mái bê tông hoặc vật liệu bền chắc), giúp hộ dân xây đúng - xây nhanh - tiết kiệm. Chương trình còn được lồng ghép với chính sách giảm nghèo, giúp tỷ lệ hộ nghèo tại đây giảm còn 0,86% - thấp nhất khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cùng khởi công xây dựng nhà cho hộ dân ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: N.X
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết để giải bài toán tài chính, tỉnh chủ động vận động gần 100 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội; tạm ứng 25 tỷ từ ngân sách và ủy thác 50 tỷ qua Ngân hàng Chính sách để người dân có thể vay vốn xây nhà.
Phần thiếu hụt còn lại (34 tỷ đồng) đang được tiếp tục huy động, đảm bảo đủ trước cuối tháng 5. Song song đó, tổ đội xung kích vẫn duy trì để hỗ trợ ngày công cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Không nằm ngoài guồng quay, Quảng Ngãi triển khai chiến dịch thi đua xóa nhà tạm sâu rộng từ tỉnh đến xã bằng nhiều nguồn lực. Hiện 2 huyện Ba Tơ và Sơn Tây đã “về đích” khi xóa xong tổng 1.124 căn nhà tạm.
Các lực lượng góp ngày công, chung tay xóa nhà tạm tại Quảng Ngãi. Ảnh: N.X
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết dù địa hình hiểm trở, việc vận chuyển vật liệu tốn kém nhưng các xã vẫn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Tình trạng chặt phá rừng làm nhà gần như không còn xảy ra.
Tại Bình Định, mỗi địa phương đều có Ban chỉ đạo riêng, lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn. Việc giám sát được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo công trình đạt chất lượng, hỗ trợ đúng đối tượng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh cũng huy động hỗ trợ 22.628 ngày công giúp hộ dân tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển vật liệu; hỗ trợ 17,2 tấn xi măng, 9.000 viên gạch, 13 xe cát, 10 xe đất, 40 thùng gạch men…, góp phần giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Một ngôi nhà đang được nỗ lực hoàn thành trước mùa mưa bão. Ảnh: Hà Nam
Còn ở Phú Yên, tỉnh tập trung đặc biệt vào khâu giám sát để tránh xảy ra tình trạng hỗ trợ sai đối tượng. Ngoài ngân sách nhà nước, địa phương đẩy mạnh vận động xã hội hóa.
Đơn cử, chỉ trong một buổi sáng đầu tháng 4, TP Tuy Hòa đã quyên góp được gần 550 triệu đồng sau lễ phát động “Chung tay xóa nhà tạm”. Phong trào lan rộng tới các huyện khác, gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tỉnh miền Trung đang đồng loạt tăng tốc để mang đến mái ấm kiên cố cho hàng chục nghìn hộ dân khó khăn trước mùa mưa bão.
Hà Nam
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chay-dua-xoa-nha-tam-cac-tinh-mien-trung-quyet-ve-dich-truoc-mua-mua-bao-2400833.html