Theo Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 595.400 tỷ đồng, tương đương 23,4% dự toán và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 128.500 tỷ đồng, bằng 16,3% dự toán; chi trả nợ lãi đạt 36,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 27,1% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện đúng dự toán, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán nợ đến hạn, chăm lo cho người hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Ngân sách trung ương đã sử dụng 5.850 tỷ đồng từ nguồn dự phòng, trong đó 5.750 tỷ đồng bổ sung cho các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và hỗ trợ 108 tỷ đồng cho các địa phương nhằm phục hồi sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, 8.300 tấn gạo dự trữ quốc gia đã được xuất cấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để cứu trợ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Về đầu tư phát triển, tổng kế hoạch vốn năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ giao là 825.900 tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã bổ sung thêm khoảng 71.700 tỷ đồng, nâng tổng số kế hoạch vốn phân bổ chi tiết lên 869.750 tỷ đồng.
Nếu không tính phần bổ sung, tổng vốn đã phân bổ là 798.060 tỷ đồng, đạt 96,63% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn 27.860 tỷ đồng kế hoạch vốn chưa được phân bổ chi tiết, thuộc về 19 Bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương, chiếm 3,37% kế hoạch vốn được giao.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 4 đạt 15,56% kế hoạch, thấp hơn mức 16,64% cùng kỳ năm 2024 nhưng giá trị giải ngân tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Một số địa phương có tiến độ giải ngân vượt mức bình quân cả nước, song vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân chậm hoặc chưa giải ngân do vướng mắc về cơ chế chính sách, kế hoạch vốn chưa sát thực tế, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm và thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường chưa có quy định cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn. Điều này gây khó khăn cho việc xác định tổng mức đầu tư và triển khai dự án không có cấu phần xây dựng. Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực nhưng chưa được hướng dẫn đồng bộ tại địa phương, dẫn đến chậm trễ giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, việc tổ chức bộ máy sau sáp nhập đơn vị hành chính chưa ổn định khiến nhiều dự án bị dừng hoặc điều chỉnh quy mô cũng là một vấn đề. Đồng thời, yếu tố thị trường như giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, nguồn cung hạn chế, thời tiết bất lợi và thu ngân sách địa phương không đạt dự toán cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.
Về chủ quan, vẫn còn tình trạng xây dựng kế hoạch chưa sát thực tiễn, thủ tục đầu tư chưa đầy đủ ngay từ khâu dự toán dẫn đến chậm phân bổ vốn và không kịp tổ chức đấu thầu. Đến cuối tháng 4, vẫn còn khoảng 27.861 tỷ đồng, tương đương 3,37% kế hoạch Thủ tướng giao. Ngoài ra, việc điều chỉnh kế hoạch vốn kéo dài, chưa đáp ứng quy định cũng khiến một số bộ ngành chưa thể tổ chức giải ngân.
Bộ Tài chính đang đề xuất loạt giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới: yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý; siết chặt giám sát các dự án lớn hoặc có kỹ thuật phức tạp; đẩy mạnh thu ngân sách địa phương từ đất đai để bảo đảm nguồn lực đầu tư; và tăng cường phân cấp, xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện từng cấp.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, đầu tư công đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng then chốt. Việc đẩy nhanh tiến độ không chỉ thúc đẩy phục hồi kinh tế mà còn giảm áp lực giải ngân dồn vào cuối năm, giúp các công trình sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả.
Hồng Vân