Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tổ chức ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh những kết quả tích cực, trong đó có chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2025.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất các quý I của các năm 2020-2025. Con số này đã vượt mục tiêu đặt ra với quý I/2025 (từ 6,2-6,6%) của kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8% (trong đó mục tiêu của quý I tăng 7,7%).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương (Ảnh: VGP)
“Các động lực tăng trưởng nguy cơ suy giảm, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức nặng nề hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và nhấn mạnh việc nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước…
Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô đối diện với rủi ro gia tăng; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; đời sống của một bộ phận người dân, người lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng, thu hẹp.
“Đây là sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, yêu cầu sự chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo cả năm, Bộ Tài chính đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%.
Trong đó, tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2 điểm % so với kịch bản đề ra.
Trước đó, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ đã vạch ra 3 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, ở kịch bản tăng trưởng kinh tế đạt 8%, quý I, tăng trưởng GDP phải đạt được 7,7%. Các con số tương ứng cho quý II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và quý IV là 8%; 7,9%; 8,1%; 7,9% và 8,3%.
Để đạt được kịch bản cập nhật, Bộ Tài chính tính toán rằng, riêng quý II, công nghiệp chế biến, chế tạo cần tăng 10,1% so với cùng kỳ, để tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Trong đó, sản xuất điện, khí đốt cần tăng 11,5%, ngành khai khoáng cần phục hồi để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.
Bện cạnh đó, cũng cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay, đầu tư công còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao thực hiện năm 2025 là gần 826.000 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, du lịch đang duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn, và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn.
Trong đó, về nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc tăng cường đối thoại, thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ để thỏa thuận mức áp “thuế đối ứng” hợp lý, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Bên cạnh đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy đầu tư công, đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển, bảo vệ thị trường trong nước và thúc đẩy du lịch; hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Thanh Hà