Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Ảnh: MOF.
Ngày 9/7, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15).
Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, ngày 14/6/2025, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Luật số 68/2025/QH15 (Luật số 68).
Luật xác định rõ Nhà nước với vai trò là một nhà đầu tư để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, bình đẳng với các nhà đầu tư khác, việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn Nhà nước.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nêu rõ, các chính sách của Luật được xây dựng trên tinh thần, cách thức tiếp cận mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, Luật phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tách bạch, phân định chức năng quản lý Nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; giảm sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tính tự chủ tự, tự chịu trách nhiệm.
Qua nhiều lần lấy ý kiến, Luật dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Tuy nhiên, với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp Nhà nước phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, Luật được đẩy sớm hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025. Đây là tín hiệu tích cực, song đồng thời cũng đặt ra yêu cầu khẩn trương xây dựng nghị định hướng dẫn.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì đối với 3 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước và doanh nghiệp; Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định về cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án phát triển kinh tế Nhà nước, trong đó doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò nòng cốt. Với các cơ chế, chính sách từ nghị quyết, luật và nghị định, kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới, doanh nghiệp Nhà nước sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, qua đó thể hiện rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, Thứ trưởng bày tỏ.
Hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan đối với 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: MOF
Ba dự thảo Nghị định mới khơi thông nguồn lực
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước cho biết, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương và 36 Điều, quy định cụ thể các nội dung về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp.
Trong đó, việc sử dụng các nguồn nội tại của doanh nghiệp được phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn.
Dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương và 50 điều, với nhiều quy định mới, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp.
Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước, việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì giám sát, kiểm tra ba nội dung, đó là: đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Còn các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì giám sát, kiểm tra công tác quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đơn cử, Bộ Tư pháp kiểm tra, giám sát việc ban hành chính sách pháp luật; Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Dự thảo Nghị định cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 100 điều và 3 phụ lục. Việc phê duyệt phương án sử dụng đất thời gian qua gặp vướng mắc về thời gian, gây chậm tiến trình cổ phần hóa, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước nêu rõ khó khăn.
Để gỡ vướng cổ phần hóa, dự thảo sửa đổi đưa ra một số điều chỉnh quan trọng. Cụ thể, công tác cổ phần hóa sẽ không còn gắn với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, việc quản lý và sử dụng đất sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.
Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất bỏ quy định yêu cầu phương án sử dụng đất phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt và lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tự xây dựng phương án sử dụng nhà, đất sau khi chuyển đổi, trên cơ sở không gắn với mục đích sử dụng đất.
"Những nội dung đổi mới của luật và các nghị định quy định chi tiết sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế." đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước cho hay.
Kiều Chinh