Trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ logistics hàng đầu
Theo số liệu thống kê, tỉnh Đồng Nai mới nằm trong top đầu cả nước về quy mô dân số, diện tích và quy mô nền kinh tế. Tỉnh cũng là địa phương có vị trí quan trọng, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ liên vùng, là ''thủ phủ'' công nghiệp lớn nhất cả nước. Trên lĩnh vực nông nghiệp, do cả Đồng Nai và Bình Phước đều có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nên khi sáp nhập, Đồng Nai mới trở thành tỉnh có ngành chăn nuôi quy mô lớn nhất Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức (bên phải) trao quyết định tiếp nhận Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước. Ảnh: Việt Dũng
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, địa phương do đó có nhiều cơ hội, không gian phát triển sau khi sáp nhập. Tỉnh hiện đã xác định mục tiêu phát triển công nghiệp vẫn là động lực chính của nền kinh tế. Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, đặc biệt quỹ đất rộng lớn, còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt thu hút ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Đồng Nai chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài đến tỉnh sinh sống và làm việc. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nhằm đạt chuẩn quốc tế, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng lao động một cách bền vững.
Đồng thời, tỉnh cũng có cảng Phước An, Sân bay Long Thành, có các cửa khẩu biên giới. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển ngành logistics. Tất nhiên, tỉnh cũng cần phải phấn đấu đầu tư, hoàn thành khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cùng với đó, hình thành được các khu đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp. Phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung tạo ra những chuỗi giá trị mới, có hàm lượng chất xám phải cao hơn, tri thức phải nhiều hơn, chất lượng sống cho người dân phải tốt hơn.
''Với những tiềm năng, lợi thế được đánh giá ''thiên thời, địa lợi, nhân hòa'', chính sách đầu tư cởi mở, thông thoáng. Cùng với đó là cơ chế vận hành của Đảng và Nhà nước trên tinh thần ''đẩy mạnh phân cấp, phân quyền'' với phương châm ''địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm'', tôi tin tưởng rằng tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất sẽ vươn mình trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam'' – ông Võ Tấn Đức nói.
Việc hợp nhất với Bình Phước sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Đồng Nai. Ảnh: Việt Dũng
Đoàn kết, tạo luồng sinh khí mới cho bộ máy mới
Chia sẻ về những khó khăn bước đầu trong công tác tổ chức bộ máy chính quyền, Chủ tịch Võ Tấn Đức cho biết, trước hết phải khẳng định rằng, chủ trương sáp nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước là một quyết sách chiến lược nhằm tạo ra một không gian phát triển mới rộng lớn hơn, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả hai địa phương.
Trong đó, việc hợp nhất bộ máy hành chính, sắp xếp cơ cấu lại tổ chức, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ hai địa phương là một thách thức lớn và sẽ có những xáo trộn ban đầu về nơi làm việc, vị trí công tác, thậm chí là những thay đổi trong cuộc sống của một bộ phận cán bộ và gia đình.
Do đó, đây chính là lúc cần phát huy cao nhất sức mạnh của sự đoàn kết và đồng lòng. Sự đoàn kết, đồng lòng sẽ là ''chìa khóa'' hóa giải mọi khó khăn, thách thức. Cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự chuyên nghiệp và ý chí vượt qua thử thách, với nhận thức sâu sắc rằng, sự thay đổi này là vì lợi ích chung, vì sự phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.
Từ đó, tạm thời gác lại những băn khoăn, tâm tư cá nhân, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ có những chính sách, lộ trình sắp xếp cán bộ một cách công tâm, khách quan, minh bạch, có lý có tình, đảm bảo ổn định và tạo điều kiện tốt nhất để mỗi người phát huy được năng lực của mình.
Bộ máy mới của tỉnh mới cũng cần một luồng sinh khí mới. Do đó, mỗi cán bộ, công chức được kỳ vọng sẽ là một nhân tố tích cực trong việc xây dựng quy chế hoạt động, cải tiến quy trình làm việc, nhanh chóng đưa bộ máy vào vận hành một cách trơn tru, hiệu quả. Phải quyết tâm xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết và hiệu quả.
''Đồng Nai cũng như Bình Phước, mỗi nơi đều có thế mạnh riêng. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta học hỏi, bổ sung cho nhau, tạo nên một đội ngũ mạnh hơn, toàn diện hơn. Đặc biệt, sự đồng thuận và ủng hộ của người dân chính là cội nguồn sức mạnh, là yếu tố quyết định thành công của chủ trương lớn này'' – ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của Đồng Nai đạt đạt hơn 132,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,21%, cao hơn 1,93% so với cùng kỳ năm trước. UBND tỉnh hiện đã xây dựng kế hoạch, kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực, ưu tiên cho các giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tỉnh nhanh chóng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hoạt động hiệu quả; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước…
Đỗ Doãn