Đây là đề nghị của ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025, chiều ngày 9/7.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TITC
Đưa du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến phát triển du lịch và khẳng định du lịch là điểm sáng trong "bức tranh" kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua.
Đặc biệt, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, trên 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Với thời gian 6 tháng còn lại của năm 2025 cũng như trong giai đoạn tiếp theo, ngành du lịch được kỳ vọng và giao nhiệm vụ, đó là cần phải hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị, cần phải vào cuộc triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sau khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, phải định vị lại tài nguyên du lịch của từng địa phương và của quốc gia. Đây là yêu cầu có tính bắt buộc, chậm nhất hết quý III năm 2025 phải định vị được tài nguyên du lịch để "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về hoàn thiện thể chế, phải rà soát lại cơ chế chính sách, các chiến lược, đề án du lịch cấp Trung ương và địa phương đã ban hành để bổ sung, hoàn thiện. Qua đó, góp phần thể tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, phải tái xác định lại thị trường du lịch trọng điểm từ quốc gia đến địa phương. "Hiện nay, chúng ta đã xác định 10 thị trường trọng điểm quốc tế bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, EU, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông và Nga. Các thị trường trọng điểm, chiến lược này phải được lưu ý, xúc tiến, quảng bá" - ông Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ.
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn với chuyển đổi số
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu cần tiếp tục tập trung xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam đặc sắc theo Chỉ thị của Thủ tướng và Nghị quyết của Chính phủ. "Đặc biệt, sau khi các địa phương sáp nhập, có không gian mới cần phải tái xác lập lại các sản phẩm du lịch, các sản phẩm phải có độ lớn, có chiều sâu và đặc trưng, phù hợp với từng địa phương" - ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị.
Về quảng bá xúc tiến du lịch, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, đặc biệt phải chú ý đến chủ đề đã xây dựng là "Việt Nam đi để yêu" và hướng mạnh vào địa phương. Trong đó, xúc tiến, quảng bá phải trên hai yếu tố là khách quốc tế và khách nội địa; phải tập trung triển khai hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn với chuyển đổi số toàn diện tăng cường quản lý điểm đến, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, sau khi sáp nhập và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, các tỉnh, thành cần ngồi lại với nhau để đẩy mạnh liên kết, xây dựng các sản phẩm, kênh phân phối, cũng như cách thức vận hành. Trong đó, đẩy mạnh liên kết nội ngành, đồng thời phải tăng cường liên kết trong các lĩnh vực khác. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp.
Toàn ngành du lịch được yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, hiện đại, đẩy mạnh lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ môi trường du lịch.
Bảo Thoa