Kiểm soát nguồn gốc được xem là đòn bẩy quan trọng cho ổn định thị trường và bảo vệ thương hiệu quốc gia. Ảnh tư liệu
Thúc đẩy xuất khẩu nhờ xác thực số
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng từ tình trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, nhu cầu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng và đảm bảo tính minh bạch trong lưu thông hàng hóa đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Tại Việt Nam, các vụ việc liên quan đến hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, giả chất lượng và nhãn hiệu không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Bùi Bá Chính - quyền Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), dữ liệu của Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), riêng trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 vụ việc liên quan đến hàng giả và gian lận xuất xứ. Tình trạng này diễn biến ngày càng tinh vi, quy mô lớn, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử tiêu dùng.
Dẫn dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, ông Chính cho biết, thiệt hại kinh tế toàn cầu do hàng giả gây ra đã lên tới gần 500 tỷ USD/năm, phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Trong bối cảnh đó, các giải pháp nhằm kiểm soát nguồn gốc và hành trình sản phẩm được xem là đòn bẩy quan trọng cho ổn định thị trường và bảo vệ thương hiệu quốc gia” - ông Chính nhận định.
Hạ tầng dữ liệu số hóa chuỗi giá trị
Theo đại diện Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, truy xuất nguồn gốc không còn là vấn đề mới trên thế giới. Ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều đã triển khai các nền tảng công nghệ phục vụ mục tiêu này, như IBM Food Trust (Mỹ), Transfarency Euro (châu Âu) hay hệ thống truy xuất y tế quy mô quốc gia tại Trung Quốc. Các hệ sinh thái này đều quản lý dữ liệu tập trung, cập nhật theo thời gian thực, tạo nền tảng vững chắc chống hàng giả và gian lận thương mại.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Khối Công nghệ thông tin, Công ty cổ phần Dược phẩm ECO (ECO Pharma) chia sẻ, vấn đề hàng giả là một thách thức cố hữu trong ngành dược. Với đặc thù sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, ECO Pharma cũng đã sớm chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ để tăng tính xác thực và truy vết sản phẩm.
Tuy nhiên, theo đại diện ECO Pharma, các nền tảng xác thực hiện tại vẫn thiếu sự thống nhất và chưa đủ sức bảo vệ toàn diện vòng đời sản phẩm. ECO Pharma đang phối hợp cùng các đối tác để xây dựng nền tảng xác thực mới dựa trên công nghệ chuỗi khối, vừa phục vụ nhu cầu chống giả, vừa mở rộng thành kênh tương tác ba chiều giữa doanh nghiệp, khách hàng và cơ quan quản lý.
Cũng theo đại diện ECO Pharma, để những nỗ lực này thực sự phát huy hiệu quả, vai trò của cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng trong việc định hướng chính sách, ban hành quy chuẩn kỹ thuật và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.
“Nếu có thể thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất và minh bạch trên phạm vi toàn quốc, vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ, vừa tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận thông tin rõ ràng về sản phẩm, thì nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhờ môi trường kinh doanh minh bạch, giảm chi phí gian lận và tăng sức cạnh tranh xuất khẩu” - đại diện ECO Pharma chia sẻ.
Phát triển một nền tảng truy xuất quốc gia tích hợp
Trên phương diện vĩ mô, ông Nguyễn Huy - Trưởng ban Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia cho rằng, truy xuất nguồn gốc không đơn thuần là một bài toán kỹ thuật, mà đang trở thành một chiến lược phát triển kinh tế trong kỷ nguyên số. Việc xây dựng nền tảng định danh xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ góp phần siết chặt kỷ cương thị trường, mà còn đặt nền móng cho việc số hóa chuỗi giá trị sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng.
“Nếu vận hành hiệu quả, hệ thống này có thể trở thành cấu phần không thể thiếu trong hạ tầng thương mại số, giúp sản phẩm Việt dễ dàng vượt qua các rào cản kỹ thuật quốc tế, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng” - ông Huy đánh giá.
Tuy nhiên, ông Huy cũng chỉ ra rằng, thực tiễn triển khai hiện nay cho thấy, các nền tảng truy xuất tại Việt Nam vẫn còn phân tán, chủ yếu theo ngành hoặc theo từng doanh nghiệp đơn lẻ. Thiếu hụt một cơ sở dữ liệu tập trung khiến cơ quan quản lý gặp khó trong giám sát toàn diện, còn doanh nghiệp lại phải gánh chi phí cao khi mỗi bên áp dụng một công nghệ riêng.
“Tỷ lệ hàng hóa được định danh hiện nay theo ước tính mới chỉ đạt khoảng 2% trên toàn thị trường, một con số rất khiêm tốn nếu so với tiềm năng và nhu cầu thực tế. Trong khi đó, người tiêu dùng - đối tượng nắm vai trò quan trọng trong việc giám sát xã hội vẫn chưa có đủ công cụ hay thói quen để xác minh nguồn gốc sản phẩm, dẫn tới sự thiếu gắn kết trong toàn chuỗi” - ông Huy phân tích.
Trước thực tế đó, ông Huy cho biết, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia và Trung tâm Dữ liệu quốc gia đã kiến nghị phát triển một nền tảng truy xuất quốc gia tích hợp, sử dụng công nghệ hiện đại như blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để bảo đảm tính minh bạch, tính thời gian thực và khả năng liên thông quốc tế. Mỗi sản phẩm sẽ được gắn mã định danh duy nhất, lưu trữ các bằng chứng số trong toàn bộ hành trình - từ sản xuất, kiểm định, vận chuyển đến tiêu dùng.
“Đây được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng quản trị và tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt trên mỗi đơn vị hàng hóa” - ông Huy khẳng định.
Trong dài hạn, đại diện Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tin rằng, nền tảng này có thể tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác thực thi chính sách thương mại, tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển, thương mại điện tử bùng nổ và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, sự hiện diện của một nền tảng xác thực tin cậy ở cấp quốc gia sẽ là yếu tố then chốt để định hình lại cách thức vận hành thị trường, từ đó nâng cao năng suất nền kinh tế và củng cố lòng tin xã hội vào hệ thống phân phối chính thống.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng sức cạnh tranh chuỗi cung ứng
Ông Bùi Bá Chính - quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia) cho rằng, để thực thi hiệu quả Nghị quyết 57/NQ-TW cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất, lưu trữ đến phân phối nhằm nâng cao tính minh bạch, kiểm soát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ, trong sản xuất nông sản theo VietGAP, ghi chép thủ công dễ sai sót và bị lợi dụng, làm giảm độ tin cậy sản phẩm.
Ngược lại, nhật ký sản xuất điện tử giúp quản lý minh bạch theo thời gian thực, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững. Tuy nhiên, khi mã QR chưa được chuẩn hóa, thiếu liên thông và giám sát chặt, thị trường dễ bị hàng giả trà trộn, gây mất niềm tin.
“Dù chưa bắt buộc truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp khi triển khai vẫn phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia. Mọi thông tin sai lệch, không đầy đủ đều có thể bị coi là gian dối với người tiêu dùng” - ông Chính nhấn mạnh.
Thu Hương