Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Theo đó, kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Với kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%), Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3-8,5%), tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tương ứng với 2 kịch bản nêu trên, Bộ đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP HCM 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Toàn cảnh Hội nghị diễn ra sáng nay. (Ảnh: VGP).
Để đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025, Bộ trưởng Thắng cho biết cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm là khoảng 111 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng). Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung năm 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nươc năm 2024 (khoảng 152.700 tỷ đồng).
Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.
Về thúc đẩy đầu tư tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và các chương trình hành động của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các gói 500.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội…
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cơ bản thống nhất những định hướng theo báo cáo của Bộ Tài chính; khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025 hoàn toàn có khả năng thực hiện để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để tự tin bước vào giai đoạn 2026-2030, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược của cả giai đoạn 2021-2030.
Thanh Hà