Toàn cảnh buổi họp báo của Bộ Tài chính.
Chia sẻ tại buổi họp báo quý I của Bộ Tài chính chiều ngàt 3/4, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, thời gian qua, nhằm chủ động thích ứng linh hoạt và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát tổng thể các thuế suất nhập khẩu quy định trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và tham mưu Chính phủ.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025, trong đó điều chỉnh giảm đáng kể mức thuế suất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Việc điều chỉnh này nhằm cân bằng cán cân thương mại với các đối tác lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường đa dạng hơn.
Cụ thể, Nghị định này đã giảm thuế suất nhập khẩu đối với 16 mặt hàng, bao gồm ô tô, nông sản, ethanol, gỗ… Đây là một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trong thời gian qua.
Mới đây, theo thông tin được công bố, đề xuất điều chỉnh thuế với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ được dự báo dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc xem xét và đánh giá các tác động của chính sách này là rất quan trọng, nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh thuế suất, trong đó có các phương án rà soát, đánh giá tác động đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Một số giải pháp đang được nghiên cứu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thích ứng với thay đổi, đồng thời duy trì lợi ích chung trong hợp tác thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về lộ trình xử lý vấn đề này. Các yếu tố liên quan đến chi phí, an ninh kinh tế và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam đều đang được xem xét chặt chẽ để đưa ra giải pháp phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, cân bằng thương mại là mục tiêu quan trọng, nhưng cần được thực hiện theo hướng phát triển bền vững.
Các biện pháp ứng phó sẽ không chỉ tập trung vào việc điều chỉnh thuế mà còn phải cân nhắc các giải pháp lâu dài nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định giữa Việt Nam và Mỹ. Do đó, chúng ta cần kiên trì tìm kiếm giải pháp phù hợp, vừa thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu mà không gia tăng thuế, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng của cả hai nước.
Hiện, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá kỹ lưỡng các tác động và đề xuất những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Một số giải pháp có thể bao gồm đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Thùy Linh