Khả năng cao sẽ áp thuế 20 - 25%
- Ông nhìn nhận thế nào về tác động của việc Mỹ áp thuế tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?
- Việc Mỹ áp thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được giới phân tích dự liệu ngay từ đầu nhiệm kỳ này của Tổng thống Donald Trump, khi thâm hụt thương mại của Mỹ với nước ta chỉ xếp sau Trung Quốc, Canada và Mexico. Có hai kịch bản được dự báo khi đó: Việt Nam sẽ trong nhóm nước Mỹ đánh thuế cao như với Trung Quốc, Canada, Mexico; hoặc Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước còn lại. Giờ thì kịch bản xấu nhất đã xảy ra, khi Mỹ áp thuế tới 46% đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Dù vậy, tôi cho rằng khó có khả năng Mỹ sẽ áp nguyên mức thuế này, đâu đó sẽ chỉ khoảng 20 - 25% như với Trung Quốc sau quá trình đàm phán, cũng có thể thấp hơn tùy thuộc vào đàm phán của Chính phủ. Thường thì cách của Tổng thống Donald Trump là ban đầu đưa ra con số rất lớn để có lợi thế trên bàn đàm phán, sau đó con số thực tế thường rất thấp.
Tuy nhiên, kể cả có giảm mức thuế xuất khẩu đi một nửa so với ban đầu thì 20 - 25% vẫn là mức khá cao và chắc chắn sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam trong trung và dài hạn, vì Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nhóm ngành xuất khẩu nhiều sang Mỹ đều sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới này.
"Chính phủ đã có phản ứng rất tức thời với chính sách thuế của Mỹ khi ngay trong sáng 3.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau. Ở thời điểm này, điều tối quan trọng là chúng ta phải có phân tích tác động thật kỹ lưỡng để có biện pháp tương ứng.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân
Cùng với xuất khẩu, một điểm rất đáng lo ngại nữa là nếu chính sách thuế xuất khẩu này duy trì nhiều năm chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới thu hút FDI vào Việt Nam. Đây mới là điều quan trọng! Thậm chí, các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng có thể cân nhắc chuyển nhà máy sang nước khác có thuế suất vào Mỹ thấp hơn so với Việt Nam.
Giảm thặng dư thương mại càng sớm càng tốt
- Điều rất được quan tâm hiện nay là Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ như thế nào, thưa ông?
- Tôi cho rằng trước tiên và rất quan trọng là đất hiếm, khi Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới. Chúng ta có thể đàm phán cung cấp đất hiếm cho phía Mỹ, để các doanh nghiệp công nghệ nước này có thể khai thác, sản xuất chip cho ngành bán dẫn - ngành mà Việt Nam cũng đang rất quan tâm phát triển trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Đây sẽ là bài toán “win - win”, mang lại lợi ích cho cả Mỹ lẫn Việt Nam.
Vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á cũng có thể là một “chìa khóa”. Song, đây là bài toán không đơn giản.
Việc giảm thuế nhập khẩu cũng đã được Việt Nam áp dụng từ ngày 31.3 vừa qua, trong đó có những mặt hàng mà Mỹ có lợi thế (Nghị định số 73/2025/NĐ-CP). Tuy nhiên, hàng Mỹ vào Việt Nam năm 2024 chỉ trên 15 tỷ USD nên mức giảm thuế không đáng kể.
Việt Nam cũng có thể đàm phán về mua sắm công với Mỹ. Song, giá hàng hóa của Mỹ thường khá cao, không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc hay của các thị trường khác nên sẽ không hiệu quả về kinh tế. Nếu mua công nghệ mới của Mỹ như trí tuệ nhân tạo (AI) thì chắc chắn họ không bán, trong khi công nghệ cũ thì không hẳn đã là lựa chọn tối ưu với Việt Nam. Do vậy, dù đây cũng là một cơ hội để đàm phán song cũng không lớn.
Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là phải giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống càng sớm càng tốt.
- Làm cách nào, thưa ông?
- Trước tiên phải "cắt" con đường đưa hàng Trung Quốc qua Việt Nam để sang Mỹ nhằm né thuế. Phải có chính sách để hạn chế điều này, đơn giản nhất là phải tăng tỷ lệ nội địa hóa lên. Khi chúng ta quy định tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 40 - 50% thì hàng Trung Quốc không thể qua Việt Nam để xuất sang Mỹ được nữa. Ngay cả phía Trung Quốc khi thấy mức thuế Mỹ áp với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng cao thì họ cũng sẽ tìm thị trường khác thay thế. Khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ chắc chắn sẽ giảm dần. Từ đó, cần tiếp tục có các chính sách để đưa mức thặng dư này về 0. Để làm được điều này cần thời gian, song phải hành động ngay từ bây giờ và làm càng nhanh càng tốt.
Cùng với đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng là chìa khóa quan trọng. Chúng ta đã quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ, bây giờ dù muộn song đã đến lúc buộc phải thay đổi, hướng đến các thị trường trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Trong đó, có hai thị trường màu mỡ là Đông Nam Á và Trung Đông. Chúng ta cũng đừng quên thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân!
- Xin cảm ơn ông!
Đan Thanh thực hiện